Ngành xi măng năm 2019: Tập trung cho thị trường nội địa

Bức tranh ngành xi măng năm 2018 nhiều mảng sáng ở cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, ngành xi măng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều áp lực.

Điểm sáng xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong năm 2018, các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam đã huy động gần hết công suất thiết kế, khoảng 99 triệu tấn/năm. Tiêu thụ sản phẩm xi măng (bao gồm clinker và xi măng) tại thị trường nội địa và xuất khẩu đạt khoảng 96,73 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2017. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 65,08 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2017; xuất khẩu sản phẩm xi măng đạt khoảng 31,65 triệu tấn, tăng 55% so với năm 2017.

Các doanh nghiệp xi măng nỗ lực đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa

Thực tế cho thấy, giá trị xuất khẩu sản phẩm xi măng cũng đã vượt qua con số 1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hiện sản phẩm xi măng Việt Nam đã có mặt tại thị trường trên 40 nước. Giá xuất khẩu xi măng năm 2018 đạt trên dưới 50 USD/tấn và clinker từ 38- 42 USD/tấn (giá xuất khẩu clinker tăng khoảng 10 USD/tấn so với năm 2016).

Xét về thị trường, Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng hơn 7,6 tấn và trị giá hơn 276 triệu USD. Bangladesh đứng thứ hai với gần 6 triệu tấn. Tại Đông Nam Á, Philippines là nhà nhập khẩu quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Cung thông tin thêm, Trung Quốc là nước xuất khẩu xi măng đứng đầu thế giới nhưng hiện đã trở thành nước nhập khẩu xi măng và clinker. Điều này làm giảm áp lực cạnh tranh, tăng thị phần xuất khẩu cho Việt Nam. Cùng với đó, Trung Quốc xuất khẩu giá rẻ nên khi họ ngừng xuất khẩu sẽ đẩy giá lên, kích thích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, giảm chi phí giá thành, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của xi măng và clinker tại thị trường xuất khẩu.

Năm 2019, thị trường nội địa vẫn là chủ đạo

Đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng năm 2019, theo Bộ Xây dựng, năm 2019 tình hình kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi được Chính phủ quan tâm, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhu cầu xây dựng của người dân còn nhiều.

Theo Vụ Vật liệu - Bộ Xây dựng, dự kiến sản lượng xi măng tiêu thụ toàn ngành năm 2019 khoảng 98 - 99 triệu tấn, tăng 6 - 8% so với năm 2018, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 29 - 30 triệu tấn.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) sẽ tập trung cho thị phần trong nước bằng cách hạ giá thành sản phẩm, tái cơ cấu lại sản phẩm theo mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát huy các thương hiệu mạnh, giảm các thương hiệu yếu, tối ưu hóa logistics, thực hiện điều chuyển xi măng từ miền Bắc đi miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý giá bán, kênh phân phối, hóa đơn điện tử…

Đại diện lãnh đạo VICEM cho biết, năm nay, Tổng công ty lên kế hoạch đạt tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ là 31 triệu tấn, tăng 6%; doanh thu đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái.

Ngoài ra, để hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong ngành xi măng cũng chú trọng thị trường tiêu thụ nội địa, bám sát diễn biến của thị trường thế giới để có kế hoạch xuất khẩu hợp lý, điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định.

Chia sẻ về mục tiêu xuất khẩu xi măng, ông Nguyễn Quang Cung cho biết: Năm 2019 nên đặt ra mục tiêu thấp hơn năm 2018, mặc dù thị trường vẫn có thể tốt. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 32 triệu tấn xi măng, năm 2019 đặt mục tiêu xuất khẩu 20 - 25 triệu tấn, bên cạnh đó nỗ lực đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa.

Được biết, Bộ Xây dựng đang tiếp tục chỉ đạo toàn ngành xi măng phấn đấu giảm chi phí sản xuất, lưu thông nhằm giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc bình ổn, cân đối cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá năm 2019, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương, Tổ Điều hành thị trường trong nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu.

Bộ Xây dựng với trách nhiệm là Bộ quản lý chuyên ngành sẽ chỉ đạo các cơ sở sản xuất đáp ứng đủ xi măng cho nhu cầu tiêu thụ năm 2019 và phấn đấu bình ổn giá ở mức độ hợp lý.

Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp xi măng xác định sẽ tiếp tục tối ưu hóa chủng loại xi măng để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng tỷ lệ sử dụng phế thải công nghiệp như tro xỉ nhiệt điện và đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-xi-mang-nam-2019-tap-trung-cho-thi-truong-noi-dia-114606.html