Ngành Xi măng: Hợp lý và nghịch lý

Ngành Xi măng (XM) Việt Nam vẫn đang tiếp tục đón nhận những nhà máy, dự án tăng công suất. Trong tương lai, XM Việt Nam có dư thừa?

Ảnh minh họa.

Tăng nhà máy, tăng công suất

Năm 2018, tổng sản lượng clinker và XM tiêu thụ của Việt Nam đạt 93,5 triệu tấn nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Chính sách đóng cửa bớt nhà máy thép, XM để giảm ô nhiễm môi trường của Chính phủ Trung Quốc đã làm giảm khoảng 10% tổng công suất XM của nước này, dẫn tới Trung Quốc nhập khẩu mạnh clinker, XM của Việt Nam.

Tín hiệu tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2019 của ngành XM khả quan, khi sản lượng XM toàn ngành đạt 50 triệu tấn, đạt hơn 50% so với kế hoạch năm 2019 là 98 triệu tấn. Do giá điện, xăng đồng loạt tăng khiến chi phí sản xuất tăng nên từ cuối quý I đến đầu tháng 5/2019, giá XM tăng 2 lần với tổng mức từ 50.000 – 70.000 đồng/tấn tùy loại và thương hiệu XM.

Những tín hiệu tích cực về thị trường tiêu thụ XM trong nước và xuất khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp XM lạc quan. Các doanh nghiệp XM nội địa đang tích cực xây thêm, mở rộng công suất nhà máy, còn các công ty nước ngoài cố gắng củng cố vị thế, thương hiệu và tích cực mở rộng dây chuyền sản xuất như INSEE.

Dự kiến năm nay (2019) sẽ có 02 dây chuyền xi măng (XM) với tổng công suất 4,1 triệu tấn đưa vào vận hành gồm XM Nam Đông, Thừa Thiên - Huế, công suất 1,8 triệu tấn/năm và XM Thành Thắng 3, Hà Nam công suất 2,3 triệu tấn/năm.

Đến năm 2020, dự kiến ngành XM có thêm 05 dây chuyền với tổng công suất 12,7 triệu tấn đưa vào vận hành, gồm XM Minh Tâm (Bình Phước), công suất 2,3 triệu tấn/năm; XM Tân Thắng (Nghệ An), công suất 1,8 triệu tấn/năm; XM Hệ Dưỡng 2 (Ninh Bình), công suất 1,8 triệu tấn/năm; XM Xuân Thành 3 (Hà Nam), công suất 4,5 triệu tấn/năm và XM Long Sơn 3 (Thanh Hóa) công suất 2,3 triệu tấn/năm. Như vậy, đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 dây chuyền sản xuất XM với tổng công suất khoảng 115 triệu tấn.

Những nghịch lý

Nhưng không dừng lại ở đó, các nhà máy XM xin tăng công suất, nâng cấp dây chuyền vẫn tiếp tục được nêu tên.

Nhà máy xi măng Hòn Chông (Insee) với 02 dây chuyền sản xuất clinker (dây chuyền số 2, 3) thuộc Cty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh phân kỳ đầu tư của Dự án xi măng Insee (Holcim 2 cũ) 01 dây chuyền công suất lò nung 10.000 tấn clinker/ngày (tương ứng 3,6 triệu tấn xi măng/năm) thành 02 dây chuyền, cụ thể dây chuyền 2 công suất 5.000 tấn clinker/ngày (tương ứng 1,8 triệu tấn xi măng/năm) sản xuất clinker tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, vận hành vào năm 2021 và đầu tư trạm nghiền xi măng công suất 1,5 triệu tấn/năm tại Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sử dụng clinker từ dây chuyền 2 tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang; dây chuyền 3 công suất 5.000 tấn clinker/ngày (tương ứng 1,8 triệu tấn xi măng/năm), đầu tư sau năm 2025.

Trước đó, tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, Dự án xi măng Insee công suất 3,6 triệu tấn xi măng/năm, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030.

Một dự án nữa cũng được đề xuất đầu tư là dự án XM Hoàng Mai 2, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2024, đầu tư 1 dây chuyền sản xuất XM với công suất 6.000 tấn clinker/ngày tại xã Quỳnh Vinh và khu công nghiệp Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Nhà máy XM Long Thành, tỉnh Hà Nam cũng vừa được chấp thuận điều chỉnh công suất từ 0,91 triệu tấn/năm lên 2,3 triệu tấn/năm, đưa vào vận hành năm 2021… Các dự án XM Trung Sơn, Đại Dương… cũng sẽ được điều chỉnh công suất hoặc xin đầu tư mới.

Một câu hỏi đặt ra là dư luận lo ngại ngành XM sẽ dư thừa công suất, vậy tại sao những dự án như XM Trung Sơn, XM Đại Dương hay việc nâng cấp dây chuyền 2 và 3 của XM INSEE... lại tiếp tục được xin đầu tư? Có hay không việc dư thừa công suất với ngành XM?

Hợp lý!

Nhìn bức tranh toàn cảnh ngành XM Việt Nam cho thấy: Một nửa số dây chuyền có công suất nhỏ. Hiện cả nước có 42 dây chuyền công suất nhỏ hơn 0,91 triệu tấn xi măng/năm; trong đó có 29 dây chuyền công suất nhỏ từ 0,25-0,65 triệu tấn xi măng/năm.

Đây là dây chuyền đầu tư từ lâu, thiết bị cũ, xuống cấp, mức tiêu hao nhiên liệu lớn, tạo ra sản phẩm có giá thành cao, sức cạnh tranh rất thấp, thậm chí đã có lò nung phải dừng sản xuất clinker để mua clinker từ các dây chuyền lớn về nghiền xi măng.

Cả nước có 40 dây chuyền từ 1,0 triệu tấn xi măng/năm trở lên; trong đó có 25 dây chuyền công suất từ 1,8 - 4,5 triệu tấn xi măng/năm. Những dây chuyền này có công nghệ hiện đại, tự động hóa và cơ giới hóa rất cao, tiêu hao ít nhiên liệu, giá thành XM thấp, chất lượng XM tốt, sản xuất luôn đạt hoặc vượt công suất thiết kế.

Một tất yếu lịch sử: Trong quá trình hiện đại hóa, những dây chuyền công suất nhỏ, thiết bị cũ dần sẽ bị đào thải và thay vào đó là những nhà máy, dây chuyền XM có công suất lớn, thiết bị hiện đại. Những nhà máy XM đang và sẽ được đầu tư đảm bảo công suất lớn, thiết bị hiện đại sẽ thay thế những nhà máy XM lạc hậu là hợp lý. Bởi Fiingroup dự báo nhu cầu đối với XM ở Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5% mỗi năm cho đến 2030. Việt Nam có thể sẽ vẫn thừa cung đến khi đạt trạng thái cân bằng vào năm 2028.

Vũ Huyền

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/nganh-xi-mang-hop-ly-va-nghich-ly.html