Ngành xi măng dư thừa trên 36 triệu tấn

Theo dự báo của Hiệp hội xi măng Việt Nam, với mức tiêu thụ hiện tại thì đến năm 2020, ngành sản xuất xi măng sẽ dư thừa 36 - 47 triệu tấn.

Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, thời gian tới, ngành xi măng sẽ đưa vào hoạt động thêm một số dự án như Xi măng Sông Lam (giai đoạn II) công suất 3,8 triệu tấn/năm; Xi măng Kaitô Hà Tiên, công suất 4,5 triệu tấn/năm; Xi măng Tân Thắng tại Hoàng Mai (Nghệ An) công suất 1,8 triệu tấn/năm. Các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến sẽ nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành đã lên gần 110 triệu tấn/năm, đến năm 2020 có thể lên tới 120 - 130 triệu tấn/năm. Việc đưa các dây chuyền này vào hoạt động sẽ tăng thêm sức ép tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dự báo đến năm 2020 ngành xi măng sẽ dư thừa trên 36 triệu tấn (Hình minh họa)

Với mức tăng trưởng tiêu thụ khoảng 5%/năm như hiện nay, dự báo đến năm 2020 tổng sản lượng tiêu thụ xi măng sẽ đạt khoảng 82 triệu tấn, như vậy số lượng dư thừa trên 36 triệu tấn.

Thống kê Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu gần 23,4 triệu tấn xi măng và clinker, với tổng trị giá đạt gần 891 triệu USD, tăng tới 73,7% về sản lượng và 87,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng của năm 2018, xuất khẩu xi măng, clinker ước đạt 25 triệu tấn.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng đã có kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng mới từ nay đến 2025; đồng thời cho đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản nhiên liệu, sử dụng nhiều phế thải công nghiệp thay thế, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã hoàn thành lập, thẩm định Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo hướng hạn chế đến mức thấp nhất những dự án tại các khu vực có nhiều nhà máy xi măng, mở rộng đầu tư công suất lớn, công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường thêm các chính sách khuyến khích và bắt buộc trong sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung. Những giải pháp này giúp kiểm soát gia tăng áp lực nguồn cung, đẩy mạnh sức tiêu thụ, nhất là thị trường trong nước, từng bước định hình lại sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng, trong đó có ngành xi măng.

Dù phát triển mạnh công suất nhưng ngành xi măng Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, năng suất lao động rất thấp, không đồng đều, dao động từ 1.000 tấn/người/năm đến 8.000 tấn xi măng/người/năm, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nganh-xi-mang-du-thua-tren-36-trieu-tan-329113.html