Ngành Xây dựng Đồng Nai đổi mới và hội nhập

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước thì tháng 1/1976, Ty Xây dựng tỉnh Biên Hòa (nay là Sở Xây dựng Đồng Nai) cũng được thành lập, đánh dấu một thời kỳ mới về công tác quản lý, phát triển của Ngành, góp phần hình thành diện mạo đô thị, nông thôn trong giai đoạn mới. Kể từ đó tới nay, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo ngành Xây dựng Đồng Nai không ngừng đổi mới trong thực thi nhiệm quản lý Ngành, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Một trong những khu công nghiệp của Đồng Nai được quy hoạch bài bản.

Liên tục đổi mới trong công tác quản lý ngành Xây dựng

Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Ngành Xây dựng Đồng Nai đã có những đóng góp rất đáng trân trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thành tựu của ngành Xây dựng Đồng Nai có thể thấy nổi bật trong công tác quy hoạch xây dựng và phát triển các khu công nghiệp; các khu đô thị, thị tứ, thị trấn và các khu dân cư mới; đặc biệt là quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dấu ấn mà ngành Xây dựng Đồng Nai từng tham gia là xây dựng Nhà máy thủy diện Trị An, một công trình có ý nghĩa sâu sắc với hai nhiệm vụ chính: Sản xuất điện với sản lượng trung bình 1,7 tỷ kwh/năm và phục vụ công tác thủy nông cho các tỉnh Đông Nam bộ. Ngoài ra, công trình này còn duy trì lượng nước xả tối thiểu (trung bình 200m3/giây) phục vụ công tác đẩy mặn và tưới tiêu trong mùa khô ở vùng hạ lưu cũng như cắt đỉnh lũ để đảm bảo an toàn cho hạ lưu trong mùa lũ.

Sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Xây dựng Đồng Nai đã từng bước khẳng định được bản lĩnh, để bước vào thời kỳ thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đã đề ra. Trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng ở Đồng Nai, đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều thành tựu cũng như những thử thách khó khăn khác nhau. Đây chính là nền móng cho việc cải tạo và chuyển đổi quy hoạch chi tiết một số khu vực trọng yếu trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả. Sau này, hàng loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp ra đời, cùng nhiều khu dân cư mới cũng như nhà ở của nhân dân và công trình có quy mô lớn được xây dựng, đã làm thay đổi diện mạo đô thị Đồng Nai. Từ đó, tốc độ phát triển đô thị cũng nhanh nên khối lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị là rất lớn, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch chung cho các địa phương, cũng như mạng lưới khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch nên đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển đúng hướng. Do đó trên lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng được tỉnh Đồng Nai chú trọng thực hiện theo đúng quy định, khiến diện mạo đô thị từng bước được chỉnh trang. Nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư chọn địa điểm tiến hành tham gia đầu tư sản xuất, ngành Xây dựng Đồng Nai luôn chú ý đến quy hoạch các khu công nghiệp tập trung, định hướng ngành nghề cho từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với địa hình, khu dân cư và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Song song với công tác quy hoạch thì cải cách thủ tục hành chính cũng là lĩnh vực được ngành Xây dựng Đồng Nai quan tâm, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là lĩnh vực cấp chứng chỉ quy hoạch, thỏa thuận kiến trúc quy hoạch, thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kiến trúc, cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức nghiệm thu bàn giao các công trình hoàn thành.

Quy hoạch luôn tiên phong làm định hướng phát triển

Theo ông Tạ Huy Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, từ những năm 2000, Đồng Nai đã cơ bản hoàn tất quy hoạch chung cho các đô thị, đồng thời quy hoạch chi tiết và phê duyệt các khu dân cư tập trung ở các th trấn, các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp tập trung… Trong quá trình đô thị hóa thì quy hoạch chung các đô thị sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Chẳng hạn, ngoài Long Khánh và các thị trấn thuộc các huyện đã được quy hoạch chi tiết trên 40 phường xã với quy mô hơn 17 ngàn ha, thì Biên Hòa cũng đã hoàn thành xong quy hoạch chi tiết cho 23 phường và 7 xã.

Đường Nguyễn Ái Quốc góp mặt tạo nên diện mạo đô thị cho TP Biên Hòa – Đồng Nai.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, một số dự án giao thông đã thực hiện như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; QL1 đường tránh Biên Hòa, nâng cấp mở rộng QL51, cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu… Do đó các địa phương Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch là những đô thị hạt nhân nên cần phải tập trung đầu tư, phát triển xứng với quy mô và tầm vóc. Đây là những địa bàn được ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất, phát triển các khu công nghiệp; đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường thuận lợi trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Để có được một diện mạo đô thị Đồng Nai như ngày hôm nay thì những đóng góp của ngành Xây dựng là không nhỏ trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý hoạt động xây dựng, chương trình phát triển đô thị, công tác hạ tầng kỹ thuật… “Ngoài ra, sự trưởng thành và lớn mạnh của Ngành cũng phải kể đến đội ngũ nhân sự tâm huyết của các thế hệ cán bộ trong ngành Xây dựng Đồng Nai trong suốt các thời kỳ từ sau giải phóng tới nay.

Chính nhờ những đóng góp của ngành Xây dựng mà đến nay diện mạo Đồng Nai đã dần thay đổi theo hướng văn minh hiện đại và thân thiện môi trường”, ông Hoàng cho biết thêm.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/nganh-xay-dung-dong-nai-doi-moi-va-hoi-nhap.html