Ngành văn hóa chung tay khắc phục hậu quả bão, lũ

Lũ lớn chưa kịp rút, các tỉnh miền Trung lại liên tiếp gánh chịu những cơn bão tàn phá, gây mưa lớn và ngập lụt kéo dài. Hàng trăm nhà văn hóa, sân thể thao, các di tích lịch sử, đền, chùa, điểm tham quan du lịch... ngập trong nước lũ. Chung tay với các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân, ngành văn hóa đang khẩn trương vào cuộc nhằm khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phát huy phương châm “4 tại chỗ”

Từ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin (VHTT) huyện thông tin cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân: Sau trận lũ lịch sử, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy bị hư hỏng nặng. Nhiều ngày nay, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình và nhân dân chung tay khắc phục hậu quả. Những ngày đỉnh lũ, nhà lưu niệm của Đại tướng ngập gần 2,5m. Bàn thờ, bàn ghế và nhiều kỷ vật bị chìm trong nước.

Công nhân Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dọn vệ sinh di tích để đón khách tham quan trở lại. Ảnh: LÊ NHẬT .

Huyện Lệ Thủy có 26 xã, thị trấn thì đợt mưa lũ vừa qua có tới 21 xã bị ảnh hưởng nặng. Ông Nguyễn Dương cho biết, hầu hết các thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa; sân thể thao; trang thiết bị loa đài, âm thanh, ánh sáng... đều bị ngập trong nước và hư hỏng nặng. Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Lệ Thủy nhiều năm trước mỗi khi có mưa lũ là điểm lưu trú cho nhân dân thì năm nay trong các ngày đỉnh lũ nơi đây ngập sâu tới 1,5-2m. “Trước tình hình khó khăn, chúng tôi đã phát huy phương châm “4 tại chỗ”, nhanh chóng khôi phục, dọn vệ sinh những nhà văn hóa ngay khi lũ rút để làm nơi tiếp đón các đoàn cứu trợ; làm nơi lưu trú cho các hộ dân bị lũ cuốn mất nhà, hoặc nhà bị hư hỏng chưa thể ở được. Công sức của chính quyền và nhân dân trong nhiều năm qua phấn đấu đến hết năm 2020 có hơn 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 10-15 khu dân cư NTM kiểu mẫu... đã phần nhiều trôi theo nước lũ. Nhìn mà xót xa”, ông Nguyễn Dương nói.

Nỗ lực khắc phục thiệt hại

Thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại đón khách tham quan các điểm di tích thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế, ngay khi nước rút, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) đã nhanh chóng triển khai dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả lũ lụt. Trung tâm đã cắt cử lực lượng cùng với các phương tiện hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh với phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó. Tính đến ngày 31-10, hầu hết các điểm di tích đã được vệ sinh sạch sẽ. Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm, trước thông tin sẽ liên tiếp có những cơn bão lũ, Trung tâm và các đơn vị thi công đã thực hiện các biện pháp che chắn và có phương án bảo vệ các công trình di tích đang trùng tu. Do đó, mức độ thiệt hại nhiều điểm di tích thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế không đáng kể.

Huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) được coi là “rốn lũ” trong những ngày vừa qua với liên tiếp những cơn mưa lớn, triều cường và sụt lở gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông Nguyễn Ánh Cầu, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Quảng Điền thông tin, đến ngày 31-10, còn gần 50% số xã và địa bàn của huyện vẫn ngập trong nước và bùn, trời vẫn tiếp tục mưa. Hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa, công trình văn hóa bị ngập, gây hư hỏng nghiêm trọng; trong đó có 3 di tích lịch sử quốc gia là: Di tích khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở xã Quảng Thọ; Di tích lăng, mộ và miếu thờ Đặng Hữu Phổ thuộc xã Quảng Phú và Khu di tích đình làng Thủ Lễ ở thị trấn Sịa.

Hiện nay, ưu tiên đầu tiên khi nước rút, chính quyền, nhân dân huyện Quảng Điền phối hợp với lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh, dựng lại nhà cửa, chăm lo đời sống nhân dân... Các nhà văn hóa được dọn sạch sẽ, kê bàn ghế để đón học sinh tới học tập, bởi nhiều trường học vẫn bị ngập; tối đến thành nơi ngủ nghỉ cho các hộ dân có nhà cửa bị hư hỏng.

Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Đà Nẵng, phố cổ Hội An, di tích của tỉnh Quảng Nam... chưa kịp khắc phục thiệt hại, tan hoang do bão, thì nước trên các sông liên tục dâng cao làm cho các con phố, ngôi nhà ngập trong nước. Ông Mai Ký, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền các cấp và người dân Quảng Nam đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, người dân khu phố cổ Hội An đang mau chóng dọn vệ sinh nhà cửa, đường phố, sớm ổn định cuộc sống để có thể đón du khách trở lại tham quan khi thời tiết bình thường trở lại.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nganh-van-hoa-chung-tay-khac-phuc-hau-qua-bao-lu-642670