Ngành tuyên giáo và 'Thế trận lòng dân'

Sau hơn 45 năm, từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tình hình trận địa tư tưởng chính trị ở nước ta diễn ra phức tạp hơn và ý nghĩa lớn lao của 'Thế trận lòng dân' vẫn là xu hướng mà những người làm công tác tuyên giáo hiện nay phải luôn kiên định.

Chiếm nhân tâm tại vùng địch chiếm đóng

Năm 1965, tôi được điều động từ văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Đây là thời kỳ Mỹ trực tiếp đưa thực binh vào xâm lược phía Nam nước ta, hòng cứu nguy cho chế độ Sài Gòn sau hàng loạt thất bại trong cuộc chiến chống lại những người yêu nước.

Hoạt động trong vùng đô thị địch tạm chiếm cho nên Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy chia làm 2 phân ban: Phân ban nội đô và Phân ban nông thôn. Phân ban nội đô được sự lãnh đạo của Đặc Khu ủy, do đồng chí Trần Bạch Đằng, Ủy viên Ban Thường vụ Đặc Khu ủy, làm Trưởng ban.

Trước năm 1964, đội vũ trang tuyên truyền bị lộ nên chúng tôi phải bằng mọi cách khôi phục lại cơ sở. Từ năm 1965-1968, chúng tôi vừa khôi phục lực lượng vũ trang tuyên truyền, vừa mở rộng phát hành tờ Cờ Giải Phóng - tiếng nói của nhân dân Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Ban đầu, chúng tôi in báo trong vùng giải phóng, rồi dùng ghe 2 đáy đưa báo vào nội đô, qua mạng lưới giao liên đưa báo đến các cơ sở trong nội thành. Song, việc phát hành như vậy vừa không thể mở rộng, vừa rất nguy hiểm vì dễ lộ các cơ sở bí mật. Từ đó, chúng tôi đề nghị Đài phát thanh Giải Phóng đọc chậm các bài báo để cơ sở nội thành có thể dùng máy thu thanh theo dõi làn sóng, chép lại.

Sau đó, mỗi cánh tuyên huấn tùy theo khả năng của mình, dùng phương tiện in chì, hoặc giấy sáp, hoặc đánh máy trên giấy thường để phổ biến. Với cách làm đó, tờ Cờ Giải Phóng đã nâng cao số lượng người đọc mà vẫn bảo đảm được bí mật tổ chức cách mạng. Sau này, chúng tôi tổ chức một số nhà in công khai, kinh doanh hợp pháp, ban ngày in quảng cáo cho các công ty, xí nghiệp, ban đêm xếp chữ để in tài liệu, báo chí cách mạng. Chúng tôi cũng cải tiến nội dung Cờ Giải Phóng để sát tình hình sinh hoạt của quần chúng nội đô; đồng thời thay đổi hình thức để tờ báo không thua kém các báo xuất bản công khai dưới chế độ Sài Gòn. Có thể nói, Cờ Giải Phóng đã giúp lực lượng tuyên huấn nâng cao được lòng tin của quần chúng sống ngay trong vùng địch chiếm đóng.

Thắp nhang tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Nhà truyền thống "Vùng lõm chính trị - Căn cứ cách mạng Bảy Hiền”. ẢNH: ÁI CHÂN

Thắp nhang tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Nhà truyền thống "Vùng lõm chính trị - Căn cứ cách mạng Bảy Hiền”. ẢNH: ÁI CHÂN

Thời điểm đó, địch tăng cường kìm kẹp ở các khu xóm lao động nên nhiều cơ sở không có nơi an toàn. Để bảo đảm môi trường hoạt động, Đặc Khu ủy chủ trương cho lực lượng tiến hành diệt ác phá kềm, giành quyền làm chủ ở một số “lõm”, gọi là “lõm căn cứ nhân tâm”. Trong vòng 2 năm 1966-1967, chúng tôi đã xây dựng được một số lõm căn cứ ở khu Bảy Hiền, Bình Thới, Gò Vấp, quận 4… Đặc biệt, lõm căn cứ nhân tâm Bảy Hiền được xây dựng bài bản, hiệu quả nhất. Đây là vùng sinh sống của bà con khu 5 miền Trung, bị giặc khủng bố, chạy vào, tổ chức thành vùng tiểu thủ công tơ sợi, dệt. Bà con sống gắn bó mật thiết với nhau.

Bài học về “Thế trận lòng dân”

Có thể nói, sau 3 năm khôi phục lực lượng, đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa. Đồng chí Bí thư Đặc Khu ủy Nguyễn Văn Linh có lần gọi tôi đến báo cáo tình hình. Tôi kể lại một vài chuyện hoạt động trong nội thành, từ xuất bản báo chí bí mật đến tham gia diễn đàn báo chí công khai, một số hoạt động diệt ác phá kềm giành quyền làm chủ, mở lõm căn cứ nhân tâm, tuyên truyền đột xuất… đã có ảnh hưởng chính trị nhất định trong quần chúng.

Sau một hồi lắng nghe, đồng chí Nguyễn Văn Linh phân tích, điểm cốt lõi của tuyên huấn là “dân vận” và dân vận là mục đích của công tác tuyên huấn. Bởi lẽ, việc xây dựng được lòng tin của nhân dân đối với kháng chiến và đạt được sự đồng thuận với cách mạng ngay trong lòng người dân đang sống ở vùng bị địch chiếm là vấn đề chính trị cực kỳ quan trọng. Theo đồng chí, có được lòng dân thì chúng ta mới có thể phát huy được sức mạnh từ nhân dân, chĩa mũi nhọn tiến công vào chỗ yếu nhất của địch về chính trị. Dựa vào lòng dân chúng ta sẽ có được sức mạnh tiến công địch. Đó là nghệ thuật tiến hành “Thế trận lòng dân” của Đảng trên các trận địa đấu tranh. Nếu ý thức được tầm quan trọng của trận địa tư tưởng chính trị thì có thể dựa vào quần chúng để làm nhiều cuộc tuyên truyền đột xuất, tác động đến không chỉ quần chúng nhân dân mà còn cả giới trí thức, nhân sĩ - lực lượng vốn có nhận thức và tấm lòng gắn bó với cách mạng.

Điểm cốt lõi trong công tác tuyên huấn mà đồng chí Bí thư Đặc Khu ủy trao đổi với chúng tôi ngày ấy là bài học nhớ đời của tôi trong suốt quá trình tham gia hoạt động cách mạng.

Sau hơn 45 năm từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tình hình trận địa tư tưởng chính trị diễn ra phức tạp hơn, nhất là với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin truyền thông. Song, ý nghĩa lớn lao của “Thế trận lòng dân” vẫn là xu hướng mà những người làm công tác tư tưởng hiện nay phải luôn kiên định, tin vào sự tất thắng của chân lý và lẽ phải, không thủ đoạn xuyên tạc đổi trắng thay đen nào có thể làm phai mờ.

NGUYỄN TRỌNG XUẤT, Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nganh-tuyen-giao-va-the-tran-long-dan-676171.html