Ngành Tư pháp phải phát huy vai trò 'nhạc trưởng' trong tham mưu, xây dựng và thực thi pháp luật

Sáng 23-12, tại TP.Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, cùng đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố trong tỉnh.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2020, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và toàn ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ. Đồng thời, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, trong năm 2021, toàn ngành sẽ thực hiện quyết liệt, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng; tham gia tổng kết tình hình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến và giáo dục pháp luật, công tác luật sư và hợp tác quốc tế về pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà toàn ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo, định hướng một số nội dung mà ngành Tư pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới như: tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu, xây dựng hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật để thể chế pháp luật phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật...

Trong đó, ngành phải tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ và nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp; tập trung cho các lĩnh vực: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp; tích cực bồi dưỡng, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực có năng lực, trình độ làm công tác tư pháp, công tác pháp chế.

Bên cạnh đó, ngành cần thực hiện hiệu quả Đề án số hóa hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ trong toàn ngành; tăng cường đoàn kết, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm....

Diễm Quỳnh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202012/thu-tuong-chinh-phu-nguyen-xuan-phuc-nganh-tu-phap-phai-phat-huy-vai-tro-nhac-truong-trong-tham-muu-xay-dung-va-thuc-thi-phap-luat-3036116/