Ngành tư pháp gặp áp lực lớn khi xử lý những đối tượng chức vụ cao

Sáng nay 30/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) đánh giá, nhiệm kỳ qua các cơ quan tư pháp đã tự tạo áp lực lên chính mình để hướng tới những giá trị tốt đẹp bằng nhiều việc làm cụ thể, đáng ghi nhận. Các cơ quan tư pháp thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu do Quốc hội giao, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt trong bối cảnh tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, có những vấn đề mới xuất hiện, chưa từng có.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu.

Tư lệnh 2 cơ quan đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, quan tâm lắng nghe và giải quyết nhiều vụ việc được dư luận quan tâm. Quan tâm nâng cao độ ngũ cán bộ, các chức danh tố tụng hướng tới hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, hướng tới công bằng và bảo vệ công lý. Có nhiều đổi mới, sáng tạo về nghiệp vụ trên cơ sở pháp luật; chỉ đạo, vận hành toàn hệ thống theo mô hình tổ chức 4 cấp.

"Xử lý nhiều vụ án lớn, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, ma túy, kinh tế, xâm phạm an ninh quốc gia được đông đảo nhân dân đồng tình. Tập trung khắc phục tình trạng oan sai. Tôi cảm nhận sự thận trọng, khách quan, trách nhiệm tăng cao ở những cán bộ của hai cơ quan này", đại biểu nêu quan điểm.

Tuy nhiên bên cạnh đó, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, cử tri quan tâm, một số phiên tòa cấp huyện, vùng sâu vùng xa tính tranh luận thấp; sự thân thiện, tôn trọng nhân dân có mặt còn nghèo nàn, hạn chế; một số vụ án hành chính còn gây nhiều băn khoăn trong dư luận...

Từ đó ĐBQH TP Hà Nội đề xuất cần tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là kiến thức xã hội, sự liêm chính và lẽ công bằng. Quan tâm hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm ma túy; tội phạm tín dụng đen, tội phạm xâm phạm trẻ em. Huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nâng cao công tác phòng chống tội phạm, lan tỏa các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp...

ĐBQH Mai Khanh.

ĐBQH Mai Khanh.

Theo ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình), đây là một nhiệm kỳ mà lượng công việc của các cơ quan tư pháp tăng lên rất lớn so với trước, ngành tư pháp đã đứng trước áp lực lớn khi xét xử những vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; xử lý những đối tượng chức vụ cao, từng nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên các cơ quan tư pháp đã bằng bản lĩnh chính trị, sự tinh thông nghiệp vụ giải quyết kịp thời các vụ án trong thời gian ngắn, đáp ứng công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo niềm tin vào công lý đối với người dân.

"Đây là nhiệm kỳ đối diện nhiều khó khăn nhưng để lại những dấu ấn đậm nét. Đó là dấu ấn sự lãnh đạo quyết liệt, tinh thần tập trung cao độ, thái độ kiên quyết trong chỉ đạo và sự năng động, liên tục trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp luật", đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ này các ngành tư pháp đều đứng trước áp lực tinh giảm bộ máy, biên chế, tuy nhiên không có xáo trộn lớn, các nhiệm vụ vẫn triển khai đều.

Đại biểu kiến nghị nhiệm kỳ tới các cơ quan tư pháp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong xử lý các vụ án lớn, các vụ án dư luận quan tâm. Vì đây không chỉ là kết quả riêng biệt của từng cơ quan, mà thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với những vấn đề lớn của xã hội.

Các cơ quan tư pháp cần tham mưu cho Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành các quy định hướng dẫn về nâng cao năng lực xét xử; tham mưu cho Quốc hội ban hành, sửa chữa một số quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu công việc...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nganh-tu-phap-gap-ap-luc-lon-khi-xu-ly-nhung-doi-tuong-chuc-vu-cao-635666/