Ngành TT&TT tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP

Với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 18%, cao hơn mức tăng trưởng GDP của cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành TT&TT.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ TT&TT. Ảnh Zing.

Tại cuộc làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông mới đây, Thủ tướng đánh giá Bộ TT&TT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông. Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, xây dựng tạo lập cơ sở hạ tầng mạng lưới tốc độ cao, băng thông rộng, vùng phủ lớn. Hệ thống cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường trong cả nước; sóng di động đã phủ tới 99,5% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ 98% dân số; hình thành xa lộ thông tin kết nối với toàn thế giới. Các dịch vụ viễn thông ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Hạ tầng mạng lưới viễn thông đã góp phần hiện thực hóa ứng dụng “số” vào các hoạt động đời sống kinh tế xã hội. Ngành công nghiệp điện tử, viễn thông có bước phát triển mới. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo và sản xuất như Tập đoàn Viettel, VNPT và nhiều doanh nghiệp khác.

Nhà máy điện tử số 1 của VNPT với dây chuyền hiện đại tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc. Với hai nhà máy sản xuất thiết bị, VNPT hiện đã tự chủ hoàn toàn về các thiết bị đầu cuối trên mạng lưới và cung cấp cho nhiều đối tác nước ngoài khác.

Công nghiệp CNTT đã trở thành một ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh (đạt tăng trưởng trên 20%/năm trong hơn 10 năm qua). Riêng năm 2017 tăng khoảng 35,3%, doanh thu đạt 91,6 tỷ USD (trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 81,6 tỷ, phần mềm 3,8 tỷ, dịch vụ CNTT 5,4 tỷ, và nội dung số 800 triệu USD, xuất khẩu 83,4 tỷ USD), đóng góp 39.253 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đây là kết quả của những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Ngành, của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, của đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ cũng như và người lao động của toàn Ngành CNTT.

Để bắt kịp CMCN 4.0, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam cần tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt. Chuyển đổi số phải là nền tảng đi sâu vào mọi ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp của cả khu vực công và tư. Trong đó, Bộ TT&TT phải giữ vai trò dẫn dắt công tác này, đi đầu trong đổi mới tư duy, thử nghiệm những cách làm mới, chủ động đề xuất cơ chế chính sách có tính đột phá, cùng các bộ, ngành liên quan tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể trở thành những nước đi đầu trong CMCN4.0.

Bên cạnh đó cần tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông: Khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G; Đầu tư, mua sắm, đặc biệt là thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước; Phối hợp với các Bộ, ngành ưu tiên nghiên cứu triển khai thực hiện việc xây dựng hạ tầng 4.0 về nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật phục vụ phát triển kinh tế số của đất nước trong giai đoạn tiếp theo; Chỉ đạo xây dựng một số doanh nghiệp dẫn đầu, đầu tầu cho cách mạng công nghiệp 4.0.

Một nhiệm vụ nữa cũng cần phải chú trọng chính là đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo để nước ta chuyển từ nước nhập khẩu thành nước sản xuất các sản phẩm này; từ nước gia công phần mềm cho nước ngoài thành nước phát triển phần mềm. Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ thông tin mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam”, đưa nước ta thành cường quốc về CNTT, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Công nghiệp CNTT không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh...

Hoàng Vũ (tổng hợp)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201809/nganh-ttamptt-tang-truong-cao-hon-tang-truong-gdp-614081/