Ngành tôm hướng tới cạnh tranh bằng chất lượng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước ước đạt 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% so với năm 2017. Trong đó tôm thẻ chân trắng đạt 2,48 tỷ USD, giảm 2%; tôm sú đạt 810 triệu USD, giảm 7,8%. Dự báo, năm 2019, ngành tôm sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức trong cả lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu.

Công nhân Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất, nhập khẩu Kiên Cường, huyện Châu Thành (Kiên Giang) chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: QUỐC TUẤN

Nhu cầu thấp, giá giảm

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, nhưng năm 2018, xuất khẩu tôm không đạt được thành quả như kỳ vọng, liên tục ở mức tăng trưởng âm trong tất cả các tháng năm 2018. Nguyên nhân là do nguồn cung tôm trên thế giới ở mức cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp khiến giá tôm giảm sâu ở nhiều thời điểm. Thống kê của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu cho thấy, năm 2018, nguồn cung tôm thế giới tăng khoảng 5,5% so với năm 2017. Trong khi đó, năm 2018 cũng ghi nhận ít dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi ở hầu khắp các quốc gia cho nên sản lượng đạt lớn khiến nhiều nước xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Ê-cu-a-đo, In-đô-nê-xi-a bị tồn kho một lượng lớn sản phẩm, kéo theo giá tôm thế giới sụt giảm. Đối với Việt Nam, tính riêng trong tháng 11-2018, xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn đều giảm mạnh (thị trường châu Âu giảm 36,6%; Trung Quốc giảm 25,7%; Hàn Quốc giảm 20,7%; Mỹ giảm 2,8%), chỉ có thị trường Nhật Bản tăng 11%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng chung của toàn ngành tôm như vậy thì một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn duy trì và tăng tốc được đà tăng trưởng. Đáng kể nhất là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, trong năm 2018 đã xuất khẩu 67.500 tấn tôm, đạt hơn 751 triệu USD, tăng 19,6% về lượng và gần 7,7% về giá trị so với năm 2017. Với kết quả này, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, một điều khá mừng nữa là dù giá tôm xuất khẩu giảm, nhưng giá tôm nguyên liệu trong nước năm 2018 không bị sụt quá nhiều. Cụ thể, sau những tháng đầu năm ở mức thấp thì từ quý II-2018, giá tôm nguyên liệu đã tăng lên, người nuôi có lãi và tiếp tục thả giống. Từ cuối tháng 11 đến hết tháng 12-2018, ở nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg ở mức khoảng 95 nghìn đồng/kg, loại 70 con/kg có giá khoảng 110 nghìn đồng/kg và loại 50 con/kg có giá khoảng 125 nghìn đồng/kg. Đây là mức tăng khá cao, khoảng 30% so với những tháng trước đó. Với mức giá này, người nuôi có lãi 30 đến 40%, nếu sản lượng đạt cao thì mức lợi nhuận có thể lên tới 50%.

Đẩy mạnh nuôi tôm có kiểm soát

Nhiều dự báo về tình hình xuất khẩu tôm năm 2019 cho thấy xu thế tiêu thụ trên thế giới khó phục hồi nhanh, trong khi nguồn cung tiếp tục được đẩy lên mức cao. Chính vì vậy, để tăng sức cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác, ngành tôm nước ta cần tạo chuyển biến về chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Theo đó, phải có giải pháp nâng cao chất lượng đồng bộ từ tất cả các khâu: con giống, nuôi trồng và chế biến. Thực tế lâu nay ngành tôm vẫn gặp phải vấn đề lớn chưa giải quyết được là việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Khi các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ngày càng siết chặt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc lạm dụng chất kháng sinh trở thành rào cản lớn nhất trong nỗ lực khẳng định chất lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, tại Nhật Bản, 100% lô hàng tôm Việt Nam đều bị kiểm tra, thay vì chỉ 30% như trước kia. Tại Mỹ, từ ngày 31-12-2018, tất cả tôm nhập khẩu vào nước này đều phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). Với quy định này, tôm nhập khẩu vào Mỹ phải có hai loại thông tin truy xuất nguồn gốc bắt buộc. Đó là thông tin về thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo điện tử tại thời điểm nhập khẩu thông qua Hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS) và hồ sơ chuỗi hành trình. Hồ sơ chuỗi hành trình là tài liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ lúc thu hoạch đến điểm nhập cảng Mỹ, phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong hai năm và có thể được yêu cầu xuất trình khi kiểm tra. Còn tại thị trường Ô-xtrây-li-a, lệnh cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam cũng chưa được gỡ bỏ.

Chính vì vậy, đối với ngành tôm Việt nam cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh tôm giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành. Việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm “Tôm giống Ninh Thuận” có thể coi là một tín hiệu đáng mừng trong quá trình đẩy mạnh nuôi tôm có kiểm soát, nhằm nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu và xuất khẩu. Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” được bảo hộ với thời hạn 10 năm, người nuôi tôm có thể yên tâm mua giống có chất lượng, tránh tình trạng mập mờ về nhãn hiệu như trước đây.

Mới đây, tháng 12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của ngành hàng sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm trong lĩnh vực thủy sản nói riêng cũng như toàn ngành nông nghiệp nói chung. Quyết định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu tôm trong thời gian tới.

TIẾN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39154802-nganh-tom-huong-toi-canh-tranh-bang-chat-luong.html