Ngành tôm của tỉnh Cà Mau: Từng bước vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng

Tỉnh Cà Mau là vựa tôm lớn khi chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước. Dịch Covid-19 đã khiến cho giá tôm liên tục giảm mạnh và kéo dài, khiến ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, các ban, ngành chức năng của tỉnh Cà Mau đang nỗ lực giúp doanh nghiệp và người nuôi tôm từng bước vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng.

Nhờ thành tích chống dịch Covid-19 tốt của Việt Nam, các sản phẩm tôm Cà Mau cũng được hưởng lợi thế khi xuất khẩu.

Những thách thức chưa có tiền lệ

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có gần 150.000 hộ nuôi tôm và 20.000 công nhân đang làm việc trong các nhà máy chế biến thủy sản. Toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, với 39 nhà máy, tổng công suất 185.000 tấn/năm.

Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) ước đạt hơn 350 triệu USD, bằng 30,5% kế hoạch, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn của tỉnh giảm mạnh. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm hơn 66%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%. Ngoài ra, tác động từ hạn hán đã làm hơn 25.600ha diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh, khiến thiệt hại 30%-50% về năng suất.

Chia sẻ về những khó khăn trên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn Ngô Minh Hiển cho biết: “So với cùng kỳ năm 2019, mức xuất khẩu tôm của công ty đã giảm hơn 20%, bên cạnh đó, các đơn hàng cũng đã giảm hơn 50%”.

Không thể gia tăng xuất khẩu, lượng hàng tồn và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến đã lên đến khoảng 19.000 tấn. Tính đến tháng 7-2020, sức tiêu thụ giảm khiến giá thu mua tôm sú cũng giảm. Hiện tôm sú loại 20 con/kg có giá 170.000-180.000 đồng/kg (giảm 80.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2019); loại 40 con/kg 110.000-120.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2019)… Ông Huỳnh Chí Linh, nông dân tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau lo lắng: “Hàng tồn nhiều, kho sắp hết chỗ chứa, giá lại thấp… Chưa năm nào người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn như năm nay”.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Phó Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau Diệp Thanh Hải nhận định, điều mà các doanh nghiệp cần nhất vào thời điểm này là được hỗ trợ vốn với mức giá ưu đãi để duy trì sản xuất, kinh doanh. Với yêu cầu chính đáng này, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho hơn 400 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Tính đến tháng 6-2020, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho 2.237 doanh nghiệp và hộ nông dân với tổng số dư nợ 1.045,6 tỷ đồng.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau cử cán bộ xuống tận doanh nghiệp, hộ chăn nuôi khảo sát, hướng dẫn, khuyến cáo người dân không nóng vội thu hoạch những ao chưa đến thời điểm thu hoạch; giảm mật độ tôm nuôi trong ao... Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết: “Sở cũng đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản có cơ chế đặc biệt với ngành hàng tôm, đề xuất gói hỗ trợ tín dụng, thậm chí không lãi suất để doanh nghiệp thu mua dự trữ tôm của Cà Mau”.

Về mở rộng thị trường tiêu thụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Trương Đăng Khoa thông tin, với những thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cùng việc tận dụng lợi thế nhờ các hiệp định thương mại tự do mang lại, tỉnh Cà Mau đang chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp cho 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất tôm sinh thái (tôm hữu cơ) trên diện tích 20.000ha, với 4.000 hộ nuôi; trong đó, tôm hữu cơ có sản lượng 8.000-9.000 tấn/ năm được chứng nhận organic (chứng nhận hữu cơ) và giá trị tăng thêm cho người tham gia thực hiện mô hình là 5%. Sản phẩm đạt chứng nhận tôm sinh thái này đang được thị trường khó tính như Mỹ và EU chấp nhận sử dụng với giá cao.

Với hướng đi mới này, nhiều thay đổi tích cực đang phát huy tác dụng. Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Cường (xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau) Nguyễn Minh Tuấn cho biết: "Công ty đang có lượng hàng dự trữ dồi dào để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu sắp tới. Tôm Việt Nam có lợi thế an toàn hơn các nước khác, nên lượng hàng xuất khẩu của công ty đang tăng nhanh. Nhiều khả năng, chúng tôi sẽ đạt giá trị xuất khẩu 35 triệu USD trong năm 2020, như kế hoạch đã đề ra”, ông Nguyễn Minh Tuấn phấn khởi nói.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Trong thời gian tới, các ban, ngành chức năng của tỉnh sẽ theo dõi sát tình hình thị trường trong nước và phối hợp với các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Cà Mau, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Cà Mau trở thành “thủ phủ” của ngành tôm cả nước”.

Tuyết Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/972803/nganh-tom-cua-tinh-ca-mau-tung-buoc-vuot-kho-lay-lai-da-tang-truong