Ngành Tòa án xét xử đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Quốc hội

Sáng nay 26/10, Quốc hội đã nghe lãnh đạo các cơ quan tư pháp báo cáo công tác phòng chống tội phạm năm 2020; báo cáo thẩm tra của UBTP về công tác này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Trên 40.000 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết:

Năm 2020, cơ quan tư pháp đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%;triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ... Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%,hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm, một số loại tội phạm tăng như giết người, hiếp dâm,chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc... Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo công tác phòng chống tội phạm trước Quốc hội

Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu: Phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%). Đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để trục lợi.

Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm: Đã phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 12,07%) với 3.093 tổ chức và 22.560 cá nhân vi phạm; cơ quan điều tra đã khởi tố 425 vụ, 432 bị can.

Báo cáo về công tác của VKSND, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, năm 2020, toàn ngành Kiểm sát đã thực hiện nhiều giải pháp nâng chất lượng truy tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Cụ thể, VKSNDTC đã ban hành quy trình kiểm sát viên (KSV) trực tiếp tiến hành hỏi cung, lấy lời khai có ghi âm, ghi hình có âm thanh ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. KSV các cấp đã trực tiếp hỏi cung hơn 68.300 bị can, chú trọng hỏi cung bị can trong những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có khiếu nại oan, sai, chứng cứ có nhiều mâu thuẫn...

Đáng chú ý, thông qua thực hiện chức năng của mình, trong năm, ngành Kiểm sát đã ban hành 981 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm và tỉ lệ tiếp thu đạt 99,9%. Đồng thời, ngành đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và ban hành 677 kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa.

Báo cáo của viện trưởng VKSNDTC cũng cho biết trong năm 2020, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết hơn 630 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về tham nhũng (tăng xấp xỉ 43%). Cơ quan tố tụng đã giải quyết 505 tố giác, tin báo, trong đó quyết định khởi tố 208 vụ án.

Về công tác phòng chống tội phạm của TAND, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay: Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải tạm dừng xét xử trong 01 tháng, nhưng các Tòa án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%); so với năm 2019, số vụ việc đã giải quyết tăng 44.243 vụ việc. Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các TANDCC phải giải quyết là 16.205 đơn/vụ; đã giải quyết được 9.188 đơn/vụ; đạt 56,7%...

Ngành Tòa án xét xử đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra của UBTP, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết: UBTP ghi nhận, đánh giá cao kết quả Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đã đạt được, nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội, đồng thời, cũng chia sẻ những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai.

Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ, UBTP nhận định: Mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%;

Kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Còn 18 trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra của UBTP trước Quốc hội

Về công tác của ngành Kiểm sát, UBTP nhận thấy, năm qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của VKS; 03 trường hợp truy tố oan dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt;

Công tác kiểm sát việc xét xử các vụ án hành chính còn hạn chế, một số chỉ tiêu giảm mạnh và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Số lượng kháng nghị phúc thẩm giảm 22,8%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đều giảm mạnh so với năm 2019 và chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội…

Đối với công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nhấn mạnh: Qua thẩm tra, UBTP cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2020, công tác giải quyết, xét xử các loại án đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019.

Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự: Tỷ lệ giải quyết án đạt 97,8%, vượt 9,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

Đáng chú ý, tỷ lệ giải quyết vượt 11,02% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, đặc biệt, tỷ lệ giải quyết việc dân sự vượt 19%, tỷ lệ giải quyết vụ việc lao động vượt 15,2%. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội; giảm 56,4% các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.

Số lượng các vụ án đã giải quyết vượt 8,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; không có vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; đã ra quyết định buộc thi hành án đối với 124 trường hợp (trong khi, từ năm 2014 đến 2017, các TAND chỉ ra quyết định buộc thi hành án đối với 22 trường hợp).

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cũng chỉ ra một số những hạn chế, tồn tại, như: VKSND phải ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; 81 kiến nghị trong quá trình giải quyết án hành chính. Tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

Liên quan đến công tác thi hành án dân sự, Chủ nhiệm UBTP cũng cho biết thêm: Mặc dù, kết quả thi hành xong về tiền tăng cả về giá trị và tỷ lệ thi hành. Các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng thi hành xong tăng 5,12% về việc và tăng 42,1% về tiền so với năm 2019. Công tác kiểm tra, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành xong về việc trong tổng số án dân sự có điều kiện thi hành giảm so với năm 2019; vẫn tiếp tục xảy ra các vi phạm trong xác minh, phân loại điều kiện thi hành án; quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án... Tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp (43,73%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng.

Công tác thi hành án hình sự vẫn còn xảy ra 23 trường hợp phạm nhân bỏ trốn khỏi cơ sở giam giữ; số phạm nhân chết do tự sát tăng so với cùng kỳ năm 2019, nhất là 03 trường hợp người bị kết án tử hình và bị can bị bắt về hành vi phạm tội về ma túy tự sát tại trại tạm giam…

Trong bối cảnh đó, qua thẩm tra các báo cáo của các cơ quan tư pháp, UBTP đã có 06 kiến nghị với Chính phủ, 03 kiến nghị với VKSNDTC, 03 kiến nghị với TANDTC, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho hay.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nganh-toa-an-xet-xu-dat-va-vuot-nhieu-chi-tieu-cua-quoc-hoi-157509.html