Ngành Tòa án nâng cao chất lượng công tác xét xử

Trong hai ngày 11 và 12-9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có 700 cán bộ tòa án ở 4 cấp (Tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các tòa quân sự).

Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” của Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cơ bản đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, đặc biệt là đối với đội ngũ thẩm phán, đó là “... Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân tối cao theo hướng tinh gọn với đội ngũ thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm trong ngành”.

Toàn cảnh hội nghị.

Việc nâng cao chất lượng xét xử của toàn án các cấp là mục tiêu hết sức quan trọng của cải cách tư pháp. Qua 3 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, số lượng các loại vụ án mà các tòa phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều các năm trước, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết đã đề ra, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động đề ra nhiều giải pháp rất cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt trong toàn hệ thống. Trong thời gian từ tháng 10-2014 đến hết tháng 7-2017, tòa án các cấp đã giải quyết được hơn 1,07 triệu vụ án các loại trong tổng số gần 1,4 triệu vụ án đã thụ lý. Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng nên chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên.

Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã hạn chế các trường hợp kết án oan người không có tội; các vụ án lớn trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các tòa án phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, các Tòa án đã quyết định khởi tố tại tòa để yêu cầu điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hoặc bỏ lọt người phạm tội. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều chuyển biến cả về tiến độ và chất lượng; tỷ lệ các vụ án được giải quyết bằng hòa giải thành mỗi năm đều đạt trên 50%.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, công tác xét xử vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót. Trong giải quyết, xét xử các vụ án hình sự vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa. Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, vẫn còn để xảy ra các vi phạm trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện; nhiều trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án thiếu căn cứ pháp luật, vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử. Các vụ án hành chính nhìn chung tiến độ giải quyết còn chậm; tỷ lệ bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán còn cao...

Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra 14 nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án; công khai bản án, quyết định của tòa; nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên và đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp...

Phát biểu định hướng phần thảo luận của các đại biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, đây là hội nghị chuyên sâu về công tác nghiệp vụ của ngành tòa án, tập trung bàn về công tác xét xử, là hoạt động trụ cột, bổn phận của tòa án. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu cần thảo luận chuyên sâu các giải pháp mang tính đột phá, thực chất để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Về nội dung thảo luận, Đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá công tác xét xử trong thời gian qua, mặt được, chưa được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế phải được nhìn nhận rõ hơn, thực chất hơn. Từ thực tiễn hoạt động, các Tòa án các cấp cần chỉ ra những việc cần phải làm và giải pháp thực hiện trong 14 nhóm giải pháp đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đưa ra.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng đưa ra thực tế, nhiều địa phương chưa công khai bản án, quyết định của tòa. Đề nghị, trong thời gian tới, Tòa án các cấp cần khẩn trương thực hiện công khai bản án, quyết định của tòa trên công thông tin điện tử để đông đảo người dân được biết.

Tin, ảnh: MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/nganh-toa-an-nang-cao-chat-luong-cong-tac-xet-xu-517483