Ngành TN&MT: Dấu ấn trong hỗ trợ phòng chống thiên tai

Ngành TN&MT đang đề ra các giải pháp, hành động để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, tập trung vào việc tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn; quản lý khai thác cát, sỏi ở những nơi có nguy cơ rủi ro thiên tai; chia sẻ thông tin khí tượng thủy văn (KTTV), vận hành hồ chứa xuyên biên giới… Trước mắt, sẽ nhanh chóng hoàn thiện phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho các vùng miền núi Việt Nam.Ngành TN&MT đang đề ra các giải pháp, hành động để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, tập trung vào việc tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn; quản lý khai thác cát, sỏi ở những nơi có nguy cơ rủi ro thiên tai; chia sẻ thông tin khí tượng thủy văn (KTTV), vận hành hồ chứa xuyên biên giới… Trước mắt, sẽ nhanh chóng hoàn thiện phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho các vùng miền núi Việt Nam.

Những nội dung này đã được thảo luận tại cuộc họp mới đây giữa các đơn vị của Bộ TN&MT về triển khai Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, do Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì.

Ngành TN&MT sẽ nhanh chóng hoàn thiện phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho các vùng miền núi. Ảnh: Hoàng Minh

Phối hợp cảnh báo nhanh trượt lở

Thông tin về việc thự hiện Đề án “Điều tra, đánh giá, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Công tác điều tra hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 đã được triển khai trên phạm vi rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và có chuyển giao sản phẩm cho các địa phương. Viện sẽ phối hợp cùng các địa phương liên tục rà soát, cập nhật và bổ sung thông tin hiện trạng, trên cơ sở đó cảnh báo chi tiết hơn về các khu vực có nguy cơ cao.

Thông tin thêm về chuyến khảo sát vùng xảy ra lũ quét, trượt lở vừa qua, TS. Trịnh Xuân Hòa cho biết, trượt lở xuất hiện khi có mưa cực lớn xuất hiện trong thời gian ngắn, như ở Sìn Hồ (Lai Châu), lượng mưa đo được trong 36 giờ là gần 500mm. Khu vực này chủ yếu là núi đá vôi nên không xảy ra trượt lở trên cao, nhưng thiệt hại ở một bản có 24 hộ dân nằm sát bên một con suối do lòng suối ngấm no nước và bục vỡ từ từ. Ban đầu, nước lũ đục phá lòng suối phía dưới chân bản. Sau đó, mặt đất phía trên nứt vỡ dài khoảng 100m, nước phá tan 2 bên bờ suối và cuốn trôi nhà cửa. Rất may người dân đã di tản được. Những yếu tố tiềm ẩn như vậy công với địa hình miền núi hiểm trở, điểm có thể sạt lở nằm rải rác gây khó khăn cho việc cảnh báo chi tiết - Phó Viện trưởng cho biết.

Theo yêu cầu của Chính phủ trong Nghị quyết 76, Viện đang đẩy nhanh tiến độ các hạng mục của Đề án, trong đó, hoàn thiện 3 đề tài cấp Bộ để làm cơ sở đánh giá, phân vùng. Về vấn đề này, Bộ TN&MT đã có định hướng và phương án điều chỉnh chi tiết trong thời gian tiếp tới. TS. Trịnh Xuân Hòa đề nghị, các đơn vị trong Bộ có liên quan tăng cường phối hợp, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin về KTTV, số liệu lịch sử về các lưu vực sông để kết hợp với bản đồ số độ cao, từ đó khoanh định tốt hơn các khu vực nguy hiểm và có thể đưa ra cảnh báo sớm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chỉ đạo, các đơn vị liên quan cùng thảo luận và đề ra phương án phối hợp, đặc biệt là trong việc phối hợp với Tổng cục KTTV để lồng ghép cảnh báo trượt lở, lũ quét trong các bản tin thiên tai, thời tiết. Phải ưu tiên cung cấp thông tin nhanh nhất đến người dân và chính quyền địa phương để chủ động phòng tránh.

Phòng chống thiên tai là chủ động thích ứng BĐKH

Dựa trên các nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ TN&MT, các Tổng cục, Cục, Vụ tham gia công tác phòng chống thiên tai cũng báo cáo kế hoạch chi tiết về việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động chung của Bộ như: Cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chia sẻ dữ liệu vận hành hồ chứa, hoạt động vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; quản lý chặt hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế trong chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới…

Thứ trưởng Lê Công Thành giao Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì, phối hợp với các đơn vị thành lập Tổ công tác xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết. Ngoài các nhiệm vụ của Bộ, Tổ công tác cần rà soát các nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để nhanh chóng hoàn thành một kế hoạch tổng thể, toàn diện, phòng chống thiên tai theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng liên ngành. Nhiệm vụ của Bộ chủ yếu là thực hiện các giải pháp phi công trình nên các đơn vị cần đảm bảo tính đa mục tiêu, tăng hiệu quả của các giải pháp.

Trong vấn đề hợp tác quốc tế, Thứ trưởng yêu cầu, Cục Quản lý Tài nguyên nước và Vụ Hợp tác quốc tế nhanh chóng tiến hành các công tác chuẩn bị để Việt Nam gia nhập Công ước về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới (Công ước Helsinki 1992). Công ước nhằm thúc đẩy các nỗ lực quản lý bền vững và giảm thiểu tác động xuyên biên giới, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới theo cách hợp lý và công bằng.

Đề xuất bổ sung công tác xây dựng Kế hoạch quốc gia về thích ứng BĐKH vào dự thảo kế hoạch hành động của Bộ TN&MT về triển khai Nghị quyết 76 của Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Trương Đức Trí cho biết, Kế hoạch thích ứng quốc gia sẽ đưa ra bức tranh chung về ứng phó BĐKH trên từng vùng, miền của cả nước. Các giải pháp thích ứng hiệu quả chính là những giải pháp phòng chống thiên tai hữu ích như: Trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển chính là hạn chế nước biển dâng, sóng dâng do bão, áp thấp nhiệt đới; kiểm soát nước lợ, đồng thời, hạn chế xâm nhập mặn, trồng rừng đầu nguồn giảm lũ ống lũ quét… Ông Trí cũng cho hay, Dự thảo kế hoạch thích ứng quốc gia về BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm 2019, hoàn toàn phù hợp với thời hạn triển khai Nghị quyết 76 về phòng chống thiên tai đến 2025.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/nganh-tn-mt-dau-an-trong-ho-tro-phong-chong-thien-tai-1255573.html