Ngành Thuế và Hải quan tiên phong trong chuyển đổi số

Đây là nhấn mạnh của GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức sáng 19/10, tại Hà Nội.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, ngành Tài chính là ngành tiên phong trong chuyển đổi số, đặc biệt ngành Thuế và Hải quan là hai đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số và làm rất sớm. Trong đó, ngành Thuế là ngành có số đối tượng tiếp cận và tiếp xúc nhiều nhất; ngành Hải quan là đơn vị thường xuyên va chạm khối lượng lớn, tiếp cận số lượng hàng hóa trong xuất, nhập khẩu rất lớn.

Các diễn giả tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Đức Việt.

Các diễn giả tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Đức Việt.

Vì vậy, nếu như không làm tốt chuyển đổi số thì đó sẽ là nút thắt rất lớn, không phải chỉ là gánh nặng cho ngành Hải quan, ngành Thuế, mà sẽ là yếu tố để doanh nghiệp phải tăng chi phí và thời gian chờ đợi. “Tôi đánh giá rất cao ngành Hải quan, ngành Thuế đã đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số của cả nước” - GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, vì sớm tiên phong về quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử, ngành Thuế đã có Cổng thông tin điện tử cho các nhà cung cấp nước ngoài, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới kê khai, Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong quản lý thuế xuyên biên giới.

“Chính nhờ đó, không chỉ tác động về phía bản thân các doanh nghiệp, giờ đây liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan người dân, doanh nghiệp ngồi bất cứ đâu, bất cứ giờ nào cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ khai và nộp thuế, không như ngày xưa, phải xếp hàng tại cơ quan thuế và hải quan làm thủ tục. Do vậy, tạo ra sự tiện lợi nhanh chóng, giúp người nộp thuế tuân thủ tốt hơn, hàng hóa lưu thông nhanh hơn” - GS. TS Hoàng Văn Cường đánh giá.

GS. TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, việc chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ trạng thái cơ quan quản lý là người quản lý xin - cho sang một cơ chế phải phục vụ, nếu cơ quan thuế làm tốt, phục vụ tốt, hướng dẫn tốt, người nộp thuế kê khai đầy đủ thì cơ quan thuế sẽ không thất thu thuế. Nếu cán bộ thuế không làm tốt, người nộp thuế làm sai, sẽ phải điều chỉnh.

Tuy nhiên, GS. TS Nguyễn Văn Cường cho rằng, quản lý thuế và hải quan vẫn còn những rủi ro mà chúng ta chưa kiểm soát được hết khi thay từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Hiện nay, phát triển kinh doanh trên mạng càng ngày càng đa dạng, hoạt động kinh doanh truyền thống dần không còn. Làm thế nào để kiểm soát được là vấn đề đặt ra rất lớn đối với ngành Thuế và Hải quan.

“Để làm được điều đó, tiếp tục phải chuyển đổi số mạnh hơn và tiên phong hơn, phải kiểm soát tự động, nhận diện qua trí tuệ nhân tạo AI, giúp cán bộ thuế, hải quan ngồi một chỗ có thể kiểm soát tự động. Đồng thời, nếu sử dụng công nghệ Blockchain thì quản lý được hàng hóa, bắt đầu ở nước ngoài, hàng hóa chưa vào Việt Nam đã biết được giá cả, chi phí, xuất xứ… chắc chắn ngành Thuế, Hải quan phải đi đầu trong vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại tự động trong công nghệ 4.0” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, để quản lý tốt còn liên quan đến hợp tác, liên kết, và ngành Thuế muốn thu được phải liên kết với ngành Công thương, Thông tin và truyền thông, Ngân hàng… Công tác quản lý thuế và hải quan không chỉ của riêng ngành Thuế, Hải quan, mà trở thành hoạt động liên ngành, phối hợp chặt chẽ không chỉ trong nước, mà còn hợp tác xuyên biên giới, quốc tế hóa các hoạt động đó. Đây là thách thức rất lớn, khi làm được như vậy, chúng ta mới làm chủ được quản lý thuế và hải quan trong bối cảnh chuyển đổi số sang kinh tế số.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-thue-va-hai-quan-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-114952.html