Ngành Thuế đặt mục tiêu tăng thu qua thanh, kiểm tra

Với những kết quả đã đạt được từ năm 2018, bước sang năm 2019, toàn ngành Thuế đặt mục tiêu phấn đấu đảm bảo thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 19% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế và phấn đấu tăng thu qua thanh tra, kiểm tra cao hơn năm trước.

Năm 2018, toàn ngành Thuế đã thực hiện 90.394 cuộc thanh tra, kiểm tra. Ảnh TL.

Nộp vào ngân sách 12.286 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thời gian qua, toàn ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.

"Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt và kế hoạch bổ sung năm 2018, ngành Thuế tập trung phân tích chuyên sâu để lựa chọn nội dung trọng tâm cần thanh tra, lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro cao và dự kiến có khả năng phát sinh số truy thu cao về thuế; các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế; tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, thương hiệu; chuyển nhượng dự án; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử,… từ đó góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước", ông Nam chia sẻ.

Cùng với đó, ngành Thuế cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đôn đốc nộp số xử lý sau thanh, kiểm tra vào ngân sách nhà nước; đồng thời thực hiện đôn đốc nộp đầy đủ, kịp thời số tiền thuế phải thu theo kiến nghị, kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Nhờ những nỗ lực đó, năm 2018, toàn ngành Thuế đã thực hiện 90.394 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 100,81% kế hoạch năm 2018. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.302 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.978 tỷ đồng; giảm lỗ là 34.411 tỷ đồng. Qua đó, số tiền thuế nộp vào ngân sách là 12.286,5 tỷ đồng, đạt 71,01% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.

Đáng chú ý, năm qua, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 593 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.637,88 tỷ đồng; giảm lỗ 4.808 tỷ đồng. Nhờ đó, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.291,72 tỷ đồng.

Xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác thanh tra

Theo ông Nguyễn Văn Nam, trên cơ sở những kết quả đạt được từ năm 2018, năm nay, ngành Thuế sẽ đảm bảo thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 19% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế (cao hơn năm 2018 1%). Phấn đấu tăng thu qua thanh tra, kiểm tra cao hơn năm trước, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra hồ sơ sau hoàn có số thuế hoàn lớn; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; đảm bảo số lượng, chất lượng thanh tra doanh nghiệp chuyển giá.

Để đạt được mục tiêu này, năm nay, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng và triển khai nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại cơ quan thuế các cấp trên cơ sở phân tích, đánh giá mức độ rủi ro trong thu nộp thuế của người nộp thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao như: các doanh nghiệp hoàn thuế Giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, doanh nghiệp có hoạt động liên kết, doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử, phát sinh thuế nhà thầu, các hoạt động chuyển nhượng vốn...

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế phải cập nhật đầy đủ kịp thời, chính xác báo cáo tài chính năm vào ứng dụng quản lý thuế để phục vụ công tác đánh giá, phân tích rủi ro; đồng thời nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra thông qua kết luận, kiến nghị tăng thu và số nộp vào vào ngân sách nhà nước, tổ chức đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản phải thu theo kết quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào ngân sách nhà nước.

Năm 2019, ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh theo tinh thần tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai quyết liệt công tác chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh, trong đó tập trung tại những địa bàn trọng điểm.

Đặc biệt, tư lệnh ngành Thuế đặt mục tiêu năm 2019 sẽ hoàn thành chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng lộ trình như: Xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra thuế và ghi nhật ký thanh tra, kiểm tra thuế điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết,...

Đồng thời, toàn ngành sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thuế nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong việc phát hiện phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Năm qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 1 năm đối với các quyết định hoàn thuế có rủi ro và yêu cầu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra với mục tiêu số hồ sơ thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm 2018 đạt tỉ lệ trên 20-25% so với tổng số quyết định hoàn thuế trước kiểm tra sau.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nganh-thue-dat-muc-tieu-tang-thu-qua-thanh-kiem-tra-nam-2019-cao-hon-nam-truoc.aspx