TP. Hồ Chí Minh: Cấp phép thành lập thêm 8.477 doanh nghiệp mới

Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm, cơ quan chức năng của thành phố đã cấp phép thành lập doanh nghiệp mới cho hơn 8.477 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 140.134 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số giấy phép tăng 34,5% trong khi vốn đăng ký giảm 5,7%.

Trong số doanh nghiệp mới được cấp phép thành lập này, số lượng doanh nghiệp thuộc 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 6.194 doanh nghiệp, tăng 35,9% (so với cùng kỳ năm 2021); vốn đăng ký đạt 99.651 tỷ đồng, tăng 30,6%.

Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh vừa có thêm 616 doanh nghiệp mới với vốn đăng ký hơn 36 nghìn tỷ đồng. Ảnh Đỗ Doãn

Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, Công ty TNHH có 7.368 đơn vị, tăng 35%; tổng vốn đăng ký đạt 67.400 tỷ đồng, giảm 26,6%. Công ty cổ phần có 1.032 đơn vị, tăng 30,3%; vốn đăng ký 72.690 tỷ đồng, tăng 28,1%. Doanh nghiệp tư nhân có 77 đơn vị, tăng 42,6%; vốn đăng ký 44 tỷ đồng, tăng 18,9%.

Nếu phân theo loại hình kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 27 doanh nghiệp được cấp phép với vốn đăng ký đạt 216 tỷ đồng, giảm 79,8%; khu vực công nghiệp, xây dựng có 1.766 doanh nghiệp được cấp phép, tăng 38,9%; vốn đăng ký đạt 38.155 tỷ đồng, giảm 42,6%. Trong đó, ngành xây dựng có 773 doanh nghiệp, vốn đạt 7.455 tỷ đồng, giảm 35,3%; nhóm ngành công nghiệp có 993 đơn vị với số vốn đăng ký đạt 30.700 tỷ đồng, giảm 44,1%.

Khu vực thương mại, dịch vụ có 6.684 doanh nghiệp được cấp phép, tăng 33,6%; vốn đăng ký đạt 101.762 tỷ đồng, tăng 25,5%. Trong đó, thương nghiệp 3.306 đơn vị, vốn đăng ký 39.786 tỷ đồng, tăng 59,4% so với cùng kỳ; tài chính ngân hàng có 116 đơn vị với vốn đăng ký đạt 8.729 tỷ đồng, tăng 21,9%; kinh doanh bất động sản có 616 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 36.322 tỷ đồng, tăng 28,1%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 774 doanh nghiệp và vốn đăng ký 4.107 tỷ đồng, giảm 3,2%.

Ngoài ra còn có một số ngành dịch vụ có tốc độ tăng của vốn đăng ký cao như thông tin truyền thông với vốn là 2.469 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ; giáo dục và đào tạo với 1.359 tỷ đồng, tăng gần 3,7 lần; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội với 1.920 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Được biết, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về dự báo tình hình kinh doanh quý II/2022 so với quý I/2022, có 45,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn; 32,6% giữ ổn định và 21,5% khó khăn hơn. Trong đó, có 91,4% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý II/2022. Tỷ lệ này ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước lần lượt là 79,1% và 76,8%.../.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-cap-phep-thanh-lap-them-8477-doanh-nghiep-moi-102982.html