Ngành thép Việt Nam trước sức ép thuế từ thị trường Mỹ

Để hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa, Mỹ vừa áp thuế 25% lên thép nhập khẩu (NK) và 10% lên nhôm NK. Các chính sách bảo hộ tại Mỹ ảnh hưởng thế nào đến ngành thép Việt Nam và doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam cần làm gì để ứng phó? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Việc tăng thuế của Mỹ tác động thế nào tới thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Thời gian gần đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều tra 2 lần về thép NK. Vụ thứ nhất là từ cuối năm 2016 cơ quan này có điều tra vụ chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội NK từ Việt Nam. Nguyên do là trước đây Mỹ có áp thuế về chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép, tôn mạ của Trung Quốc xuất khẩu (XK) sang Mỹ với thuế suất rất cao. Cộng hai loại thuế này hơn 500%. Song từ giữa năm 2017, sản lượng thép Trung Quốc vào Mỹ giảm hẳn xuống nhưng lại thấy thép Việt Nam XK sang Mỹ tăng vọt. Thế nên họ mới khởi xướng điều tra xem Việt Nam có lẩn tránh thuế bằng cách nhập thép Trung Quốc, rồi về gia công qua loa và XK sang Mỹ hay không. Về việc này, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ để giải thích về công nghiệp thép Việt Nam và quá trình nhập bán thành phẩm là thép cuộn cán nóng về để phục vụ sản xuất trong nước. Theo đó, thép cuộn cán nóng được DN Việt Nam chế biến rất sâu, chứ không phải là chế biến qua loa hoặc không chế biến.

Ông Nguyễn Văn Sưa. Ảnh: Đức Dũng

Vụ thứ 2 là từ khoảng tháng 4-2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra theo quy định tại Mục 232 Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Trong đó, Mục 232 trao quyền cho Tổng thống có thể dùng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hàng hóa NK có đe dọa tới an ninh của nước Mỹ. Liên quan tới vấn đề này, ngày 8-3 vừa qua, phía Mỹ vừa có quyết định sẽ áp thuế 25% lên thép NK và 10% lên nhôm NK đối với tất cả các nước, ngoại trừ Canada và Mexico. Quyết định này chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho việc XK thép vào Mỹ, trong đó có hoạt động XK của Việt Nam.

PV: Chính sách thuế mới của Mỹ có tác động nhiều tới hoạt động của ngành thép Việt Nam hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Năm 2017, số thép XK của Việt Nam sang Mỹ chỉ hơn 0,5 triệu tấn. Đây là một phần rất nhỏ so với tổng sản lượng XK thép của Việt Nam là 4,7 triệu tấn, cho nên không có tác động nhiều tới hoạt động sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thời gian tới khi ngành thép của chúng ta phát triển thì nếu phía Mỹ dựng lên hàng rào thuế quan cao như thế này sẽ là điều bất lợi.

PV: Ngành thép Việt Nam là ngành XK sản phẩm. Thế mà thị trường trong nước vẫn đang NK thép. Vậy theo ông, đây có phải là nghịch lý hay không?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Cần phải giải thích rõ cho dư luận hiểu bản chất của ngành công nghiệp thép Việt Nam. Ngành công nghiệp thép Việt Nam hình thành từ năm 1959, nhưng phát triển rất chậm, từ năm 2000 tới nay mới có tốc độ phát triển nhanh. Trong bối cảnh phát triển một ngành công nghiệp mới, nguồn vốn đầu tư, công nghệ còn hạn chế cho nên ngành thép đã phải chọn khâu nào dễ đầu tư, dễ sinh lời nhất, để đầu tư trước. Những khâu đòi hỏi vốn lớn, trình độ công nghệ cao, chúng ta đầu tư sau.

Thép của Tập đoàn Hòa Phát được vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Xuân Nghi

Khâu thượng nguồn của ngành thép Việt Nam, khâu đòi hỏi nhiều vốn, công nghệ thì chưa được phát triển đồng bộ với khâu hạ nguồn. Chính vì vậy, hằng năm chúng ta phải nhập một lượng nguyên liệu bán thành phẩm, đó là thép cuộn cán nóng, để các DN chế biến ra sản phẩm thép nguội, tôn mạ, tôn sơn màu….Vì vậy, việc NK bán thành phẩm trong giai đoạn đầu phát triển là việc không thể tránh khỏi, chứ không phải nghịch lý chúng ta sản xuất nhiều mà vẫn nhập khẩu. Hiện nay, chúng ta đã sản xuất được thép cuộn cán nóng, từ đó thép NK vào Việt Nam sẽ giảm đi.

PV: Để nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng được thị trường mới, theo ông các DN thép cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Giải pháp căn bản nhất là các DN thép phải liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao khả năng quản trị, sản xuất thì mới có thể nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Cạnh tranh ở đây gồm rất nhiều khía cạnh: Chất lượng, giá cả, dịch vụ, bảo hành… Bên cạnh đó, các DN phải nâng cao sự hiểu biết về thương mại quốc tế, các quy định của WTO, luật pháp của các nước để tránh rủi ro thương mại. Đồng thời cần có sự phân bổ thị trường hợp lý, không nên chỉ tập trung vào một thị trường, để tránh tình trạng sản lượng tăng đột biến, là cái cớ để các nước dựng lên hàng rào thương mại.

MINH ĐỨC (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nganh-thep-viet-nam-truoc-suc-ep-thue-tu-thi-truong-my-533866