Ngành thép Việt Nam tiếp tục gặp khó trong năm 2018

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2018, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá, có tới 37 vụ liên quan đến sắt, thép. Trong tổng số các vụ kiện chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá do các nước nhập khẩu khởi xướng, mặt hàng sắt, thép cũng chiếm tới gần 3/4 số vụ.

Từ đầu năm 2018 đến nay, thép Việt xuất khẩu đã gặp một cú sốc lớn khi ngày 8/3, Tổng thống Donald Trump công bố áp mức thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ Việt Nam. Đây được cho là mức thuế chưa có tiền lệ và gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

“Mức thuế phía Mỹ đưa ra gần như áp dụng cho tất cả các mặt hàng về thép. Chúng ta cũng xuất sang Mỹ các mặt hàng thép xây dựng, thép tấm lá... mặt hàng nào cũng bị ảnh hưởng” - ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép nhận định.

Không những thế, theo quyết định mới đây của Bộ Thương mại Mỹ, Hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và chống trợ cấp 256,44% đối với thép cán nguội được sản xuất từ Việt Nam nhưng sử dụng thép chất nền có xuất xứ từ Trung Quốc. Mức thuế tương ứng lần lượt là 199,43% và 39,05% đối với loại thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc.

Đặc biệt, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã hai lần khởi xướng điều tra đối với sản phẩm thép từ Việt Nam. Trong đó, ngày 2/8 là điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai.( Ảnh: Internet).

Đại diện doanh nghiệp thép Khương Mai, ông Đinh Công Khương lo ngại: “Với biện pháp siết chặt chính sách hiện nay từ phía Mỹ, tôi cho rằng con đường xuất khẩu thép vào thị trường này sẽ gian nan. Đặc biệt thời gian tới sẽ có xu hướng giảm”.

Không chỉ thị trường Mỹ, thép Việt cũng liên tiếp gặp khó tại các thị trường khác như Canada, Thái Lan, Malaysia, EU…

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ từ 16/7 đến 9/8, ngành thép phải chịu áp lực kiện phòng vệ, chống bán phá giá với 8 vụ việc đến từ 7 thị trường khác nhau gồm: Canada, Thái Lan, Malaysia, EU, Mỹ, Liên minh kinh tế Á - Âu và Ấn Độ.

Cụ thể cơ quan biên phòng Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn cac-bon có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Tương tự, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Không dừng ở đó, theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam, hiện tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng thép từ Việt Nam đã vượt quá 3% và có nguy cơ cao bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức từ sau ngày 3/2/2019.

Ngành thép liên tục vướng nhiều vụ kiện trong thời gian qua. (Ảnh: Internet).

Cẩn trọng với nguồn gốc thép từ Trung Quốc

Ngày 21/5/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định áp dụng mức thuế chống lẩn tránh rất cao lên các sản phẩm thép từ Việt Nam được cho là sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, sau quá trình điều tra, Bộ Thương mại Mỹ ra kết luận có hơn 90% lô hàng thép Việt Nam thuộc mã hàng bị điều tra nhập khẩu có xuất xứ nguyên liệu từ Trung Quốc, được sản xuất theo một quy trình bị cho là thuộc diện “hành vi lẩn tránh thuế”. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, để phòng ngừa rủi ro, Việt Nam cần phải cẩn trọng trước ý định đầu tư của các doanh nghiệp Thép Trung Quốc, để tránh bị nước khác lấy cớ đánh thuế lẩn tránh.

Kim Ngọc

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nganh-thep-viet-nam-tiep-tuc-gap-kho-trong-nam-2018-d70692.html