Ngành thể thao phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Thực hiện Quyết định số 234/QÐ-TTg ngày 5-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, bằng sự nỗ lực của toàn xã hội, tỷ lệ trẻ em đuối nước đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Theo thống kê, trước năm 2015, mỗi năm cả nước có khoảng 3.000 trẻ em chết do đuối nước, nhưng từ năm 2015 đến 2017, con số này đã giảm xuống còn khoảng 2.000 trẻ em/năm.

Theo lãnh đạo Vụ Thể dục - Thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục - Thể thao), hiện tại, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ nhỏ. Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước sẽ tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ trong năm 2019 và là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thể thao quần chúng. Những mục tiêu cụ thể của chương trình sẽ gắn liền với việc phổ biến Luật Thể dục - Thể thao (sửa đổi) vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Trong đó, tập trung đổi mới các chương trình tập huấn và nội dung dạy trẻ học bơi cùng kỹ năng an toàn trong môi trường nước, có tiêu chí kiểm tra, đánh giá trẻ em biết bơi và hiệu quả chương trình ở các địa phương.

Tích cực triển khai chương trình, ngành thể dục - thể thao đã tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và trẻ em về lợi ích, tác dụng việc học bơi đối với nâng cao sức khỏe và phòng, chống đuối nước trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ đuối nước các tỉnh, thành phố; tổ chức dạy bơi, vận động các nguồn lực đầu tư xây lắp bể bơi. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, trên cả nước đã cải tạo 5.881 điểm ao hồ, sông ngòi để dạy bơi cho trẻ em. Ðể khắc phục tình trạng thiếu bể bơi phục vụ nhu cầu cấp bách về việc phổ cập bơi phòng, chống đuối nước, ngành đã tư vấn và đưa vào hoạt động các loại hình bể bơi đơn giản, vận động trẻ em tích cực học bơi để tự bảo vệ mình. Trong năm nay, chương trình phòng, chống đuối nước sẽ được mở rộng hơn và vẫn tập trung vào đối tượng trẻ em, đồng thời vận động toàn dân tham gia tập luyện môn bơi. Cụ thể, mỗi gia đình, sẽ không chỉ có trẻ em học bơi mà ngay cả cha mẹ, chú, bác… cũng sẽ được vận động học bơi, từ đó khuyến khích trẻ em noi theo.

Mặc dù vậy, nếu chỉ trông chờ vào ngành thể dục - thể thao thì chưa đầy đủ và hiệu quả sẽ không cao. Dường như sự quan tâm của các cơ quan chức năng và toàn xã hội về phòng, chống đuối nước cho trẻ em còn chưa được đầy đủ như đối với an toàn giao thông. Hằng năm chúng ta có thống kê đầy đủ về tỷ lệ số người chết vì tai nạn giao thông đang giảm theo từng năm, thì thống kê về người tử vong vì đuối nước còn rất chung chung và không rõ ràng. Những số liệu còn khác nhau này thể hiện sự quan tâm chưa thật sâu sát xuất phát từ sự chồng chéo và trông chờ nhau về trách nhiệm của các ngành.

Để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ đuối nước, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Theo thống kê điểm về việc giám sát trẻ đuối nước được thực hiện bài bản năm 2011 tại Ðồng Tháp và Nam Ðịnh, 30% số trẻ đuối nước thường nằm trong độ tuổi từ khi sinh ra đến bốn tuổi, trong đó có đến 60% người nhà nạn nhân không có kiến thức về phòng, chống đuối nước cho trẻ. Trong khi ngành thể dục - thể thao và các ngành liên quan đang từng bước triển khai thực hiện Luật Thể dục - Thể thao (sửa đổi), đưa học bơi trở thành môn bắt buộc trong chương trình giáo dục chính khóa ở các nhà trường phổ thông, thì nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có giải pháp đầu tư, tạo dựng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Theo đó, các cấp chính quyền cần dành quỹ đất, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực để phổ cập môn bơi tùy theo điều kiện từng địa phương. Với sự đồng lòng và quan tâm của toàn xã hội, chắc chắn tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước sẽ nhanh chóng giảm xuống.

Minh Giang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39639902-nganh-the-thao-phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em.html