Ngành Tài chính Việt Nam: Viết tiếp những trang sử vẻ vang

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có Bộ Tài chính. Trong suốt chặng đường lịch sử 71 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đã không ngừng phấn đấu, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngành Tài chính vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của Ngành.

71 năm đồng hành cùng đất nước

Ra đời vào mùa Thu lịch sử 1945, ngành Tài chính như những ngành tiêu biểu của đất nước đã nhanh chóng trưởng thành vượt bậc cùng với chính quyền của Nhà nước công nông non trẻ. Ngành Tài chính đã tập hợp thành công sức người, sức của, điều tiết các nguồn lực đất nước, giúp Chính phủ thực hiện thắng lợi hàng loạt mục tiêu lớn, quan trọng trong những năm gian nan, trứng nước.

Những năm tháng đất nước có chiến tranh, Ngành đã không ngừng tự trưởng thành về mọi mặt để ngày càng chuyên nghiệp hơn, kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cũng như ban hành các chính sách tài chính phù hợp, phục vụ kiến quốc và đảm bảo công tác hậu cần cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Suốt chặng đường 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tài chính luôn đóng vai trò then chốt và mũi nhọn trong mở đường, tạo dấu ấn từ chính sách cho tới thực tiễn.

Giai đoạn 1986-2000, mọi đổi mới trong chính sách tài chính, giải pháp và phương thức hoạt động của ngành Tài chính đều tập trung thực hiện yêu cầu phục vụ tốt nhất cho chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, huy động tốt nhất mọi tiềm lực trong nước, tạo điều kiện thu hút nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển, củng cố và ổn định nền tài chính quốc gia.

Giai đoạn 2001-2010, ngành Tài chính tiếp tục đổi mới triệt để hơn để trở thành công cụ sắc bén góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Hoạt động tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) góp phần tích cực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, bình quân 5 năm giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 6,9%; quy mô GDP thực tế ước đạt khoảng 106 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.200 USD (gấp 2 lần so với năm 2005).

Các mặt xã hội của đất nước có bước phát triển khá, đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc giảm, an sinh xã hội được chăm lo; quốc phòng, an ninh được giữ vững…

Tiềm lực tài chính Nhà nước ngày càng được củng cố và lớn mạnh trong giai đoạn 2011-2015. Thu NSNN hàng năm đều vượt so với kế hoạch và năm sau cao hơn năm trước; quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 tăng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010; cơ cấu thu có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, tăng từ mức 58% giai đoạn 2006-2010 lên gần 67% giai đoạn 2011-2015.

NSNN đảm bảo chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước; cơ cấu chi NSNN đã được thay đổi theo hướng tiếp tục ưu tiên đầu tư cho con người. Đồng thời, ngành Tài chính đã chủ động hội nhập quốc tế về tài chính, tham gia tích cực, có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương và đa phương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Qua 71 năm xây dựng và trưởng thành, Tài chính đã trở thành Bộ tổng hợp quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với vị trí vô cùng quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng. Với những thành tích đóng góp đó, ngành Tài chính đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, hàng nghìn Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Viết tiếp những trang sử vẻ vang

Thành công của hoạt động tài chính - NSNN trong suốt 71 năm qua, đặc biệt là qua 30 năm đổi mới và trong giai đoạn bước ngoặt 5 năm vừa qua tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để ngành Tài chính phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tại Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXIV, Đảng bộ Bộ Tài chính đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát huy truyền thống 70 năm ngành Tài chính Việt Nam, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới và phát triển; nâng cao năng lực lãnh đạo, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính giai đoạn 2015-2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tập trung hoàn thiện và thực hiện hệ thống thể chế, chính sách tài chính đồng bộ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; huy động tốt, phân phối hiệu quả và quản lý có kỷ cương các nguồn lực tài chính quốc gia; đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”.

Để hoàn thành được các mục tiêu trên, tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8/2015), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu, trong giai đoạn tới, toàn ngành Tài chính cần tích cực phấn đấu, chủ động thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Thực hiện điều chỉnh cơ cấu chi NSNN hiệu quả, vững chắc; Hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính đối với khu vực khu vực sự nghiệp công; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp; Tăng cường giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính…

Song song với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Ngành cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế; đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước...; Phát triển nguồn nhân lực, đồng thời đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế.

Từ sau thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Ban Cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã kịp thời tập trung cụ thể hóa chủ trương đường lối, đưa Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính vào cuộc sống bằng những việc làm sát với tình hình thực tế.

Trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn khó khăn, thách thức, luôn đối mặt với nhiều rủi ro, với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của toàn Ngành, thu NSNN 7 tháng đầu năm 2016 ước đạt 583,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2015. Chi NSNN 7 tháng đầu năm đạt 662,1 nghìn tỷ đồng, bằng 52% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015.

Ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành chương trình hành động với 73 giải pháp cụ thể và được chi tiết thành 118 sản phẩm đầu ra; đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và cấp dưới triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; Chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

Ngoài ra, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, NSNN đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2016 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách (Đã xuất cấp trên 80 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn).

Ngành cũng tăng cường công tác thực thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý về tài chính; Tích cực tham gia các hoạt động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+3, APEC, ASEM...; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước; Cải cách trong quản lý hành chính thuế, hải quan…

Những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của hơn 8 vạn cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Tài chính thời gian qua đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Đất nước lại bước vào một mùa Thu mới.

Hào khí của Mùa thu Cách mạng năm xưa trở thành âm hưởng đặc biệt trong mỗi người Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ ngành Tài chính nói riêng, để trở thành điểm tựa và động lực vượt khó cho chặng đường sắp tới, để ngành Tài chính đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I, số tháng 8/2016

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/nganh-tai-chinh-viet-nam-viet-tiep-nhung-trang-su-ve-vang-88928.html