Ngành tài chính, viễn thông trước cơ hội và thách thức từ EVFTA

Liên minh Châu Âu (EU) là đối tác rất mạnh về tài chính, viễn thông. Các cam kết về quy tắc về mở cửa về thị trường tài chính và viễn thông Việt Nam cho EU trong Hiệp Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cùng với tác động cộng hưởng của nhiều hiệp định thế hệ mới, chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và sự phát triển của các ngành này...

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tổ chức Hội thảo "Ngành Tài chính - Viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA".

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Các dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) và dịch vụ viễn thông là những nhóm dịch vụ có nhiều cam kết đáng chú ý trong EVFTA theo hướng mở cửa thị trường Việt Nam ở mức cao hơn so với cam kết WTO. Tuy nhiên, lại đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn tối thiểu trong quản lý nhà nước đối với các dịch vụ này, trong đó, EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính viễn thông.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, trong quá trình hội nhập, các ngành tài chính (bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) và viễn thông đã có sự phát triển ấn tượng cả về quy mô thị trường và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Mở cửa và cạnh tranh trên thị trường dịch vụ tài chính, viễn thông cùng sự lớn mạnh của các ngành đã mở ra nhiều lựa chọn về dịch vụ, với chất lượng cao, chi phí hợp lý hơn cho người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong EVFTA, cam kết liên quan tới dịch vụ tài chính và viễn thông nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Một mặt, mở cửa tự do hóa các ngành này không chỉ có ý nghĩa với bản thân các ngành này mà còn có tác động tích cực tới toàn bộ nền kinh tế. Mặt khác, đây cũng là nhóm dịch vụ nhạy cảm, gắn liền với sự ổn định của nền tài chính và kinh tế quốc dân, an toàn an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội và do đó luôn cần có kiểm soát thận trọng.

Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, trong EVFTA cam kết liên quan đến dịch vụ tài chính, viễn thông nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Theo đó, một mặt mở cửa tự do hóa các ngành này, mặt khác thì đây cũng là dịch vụ nhạy cảm gắn liền với sự ổn định của nền tài chính kinh tế quốc dân, an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp, tức thời tới mọi hoạt động kinh tế xã hội. Do đó luôn cần có sự kiểm soát thận trọng.

“Liên minh châu Âu EU là đối tác rất mạnh về tài chính, viễn thông. Đồng thời có những tiêu chuẩn cao trong quản lý và vận hành lĩnh vực này. Các cam kết về quy tắc về mở cửa về thị trường tài chính và viễn thông Việt Nam cho EU trong EVFTA cùng với tác động cộng hưởng của nhiều hiệp định thế hệ mới, chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và sự phát triển của các ngành này cũng như rất nhiều lĩnh vực khác liên quan đến nền kinh tế”, ông Phòng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe giới thiệu về các cam kết EVFTA tác động tới ngành tài chính, các cam kết liên quan tới các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán; các tác động trực tiếp/gián tiếp từ EVFTA tới thị trường và các doanh nghiệp dịch vụ tài chính Việt Nam. Các cam kết EVFTA liên quan tới ngành ngành viễn thông cũng như tác động gián tiếp và trực tiếp tới thị trường này với các doanh nghiệp. Theo đó sẽ những thách thức về áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập FTA cùng với đó là yêu cầu của khách hàng với các dịch vụ này sẽ ngày càng cao, ứng dụng công nghệ thông tin và thách thức trong bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn giao dịch…

Các chuyên gia trong các lĩnh vực cho rằng, để tận dụng được những cơ hội và vượt qua thách thức của các ngành tài chính, viễn thông thì yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là phải chuyên nghiệp hóa và nâng cao các dịch vụ cung cấp, thiết kế và cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu khách hàng. Đẩy mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ, ngân hàng điện tử, rà soát thường xuyên và nâng cao các kỹ thuật bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin. Ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Đồng thời rà soát và kiểm soát chặt chẽ các quy trình, nghiệp vụ tài chính ngân hàng; thường xuyên và nâng cao các kỹ thuật bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin./.

Minh Phương

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/kinh-te/nganh-tai-chinh-vien-thong-truoc-co-hoi-va-thach-thuc-tu-evfta-540221.html