Ngành tài chính phấn đấu năm 2019 thu trên 1,45 triệu tỷ đồng

Chiều 9-1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tài chính ngân sách năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2018, thu ngân sách vượt so với dự toán với tỷ lệ khá cao so với nhiều năm gần đây. Tính đến hết 31-12, thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so dự toán (trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so dự toán), tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP). Các nhiệm vụ chi ngân sách cũng được bảo đảm theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt hơn 27% (mục tiêu giai đoạn 2016-2020, chi thường xuyên dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước). Dự phòng ngân sách các cấp được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, trong đó, ngân sách trung ương đã sử dụng hơn 2,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lụt, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Bên cạnh đó, cơ quan các cấp đã xuất cấp 122,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 ước dưới 3,6% GDP thực hiện (dự toán 3,7%GDP); nợ công dưới 61% GDP. Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính– ngân sách nhà nước như cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công còn chậm; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ xử lý những dự án trọng điểm thua lỗ của Nhà nước chuyển biến chưa rõ nét; giải ngân vốn đầu tư công chậm; nợ nước ngoài của quốc gia còn ở mức cao; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ngành tài chính hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao trong đó thu ngân sách nhà nước vượt tới 7,8% dự toán. Lần đầu tiên thu trung ương vượt 4,3%, địa phương vượt 12,5% dự toán. Từ chỗ vay ngân hàng để chi các khoản, thì vài năm gần đây đã có thặng dư ngân sách… Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ ra những tồn tại yếu kém mà ngành tài chính cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, một số mặt chuyển biến chậm, thiếu đồng bộ, chính sách không ổn định hay sửa đổi gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Ví dụ, việc xây dựng Luật Thuế tài sản chưa có chiến lược truyền thông phù hợp gây phản đối mạnh mẽ, cắt giảm điều kiện kinh doanh chậm, mới được 30%, giải quyết khiếu nại vướng mắc cho doanh nghiệp có lúc có nơi chưa thực chất kịp thời. Thủ tướng nhắc nhở về việc vi phạm chế độ thu chi còn xảy ra nhiều cơ quan đơn vị, lãng phí quản lý tài sản công, tổ chức hội nghị hội thảo đi công tác nước ngoài. Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, tới cuối năm 2018, giải ngân vốn mới được hơn 66% dự toán. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra, còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tham nhũng vặt, chi phí không chính thức. Thủ tướng nhấn mạnh, đã có những tiến bộ trong giảm chi phí ngành thuế, nhưng tỷ lệ phải chi trả phí bôi trơn khi làm thủ tục hải quan vẫn cao. 1 contenner thông quan bôi trơn 1 triệu đồng, thì 1 năm mất cả chục nghìn tỷ đồng. Chi phí không chính thức giết doanh nghiệp, tại sao doanh nghiệp mãi không lớn một phần do đây, cùng các khoản không chính thức khác. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đặt vấn đề về chất lượng kiểm tra, thanh tra của ngành tài chính còn khá khiêm tốn so với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Trong khi thanh tra tài chính phạt vài chục triệu đồng, số lượng doanh nghiệp kiểm tra lớn, nhưng kết quả thấp. Trong năm 2019, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính bứt phá, cao hơn 2018, phấn đấu tổng thu ngân sách trên 1,45 triệu tỷ đồng. Vì vậy, phải có giải pháp đồng bộ tạo không gian tài khóa lớn hơn nhiều nguồn lực hơn để điều hành chủ động linh hoạt hơn.

Toàn cảnh hội nghị.

Năm 2019, ngành tài chính đưa ra nhiệm vụ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại NSNN đã đề ra; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, chống chuyển giá, cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP; đẩy mạnh chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách.

Tin, ảnh: DƯƠNG TỬ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nganh-tai-chinh-phan-dau-nam-2019-thu-tren-1-45-trieu-ty-dong-560118