Ngành tài chính - ngân hàng không nằm ngoài vòng xoáy cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 12/6, tại Hà Nội, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cùng với Văn phòng Đại học Quản trị Paris tại Việt Nam (PGSM) phối hợp chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, ngành tài chính - ngân hàng cần đổi mới trước tác động của cuộc CMCN 4.0

Hội thảo nhằm mục tiêu tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà quản lý công bố nghiên cứu mới nhất liên quan đến mô hình, thực trạng, cơ hội, thách thức và những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng những lợi thế và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0 tới hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam. Các vấn đề được thảo luận tại hội thảo cũng góp phần đưa ra được các khuyến nghị chính sách, cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo đối với các cơ quản quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và trung gian tài chính và các trường đại học ở Việt Nam.

Tại hội thảo, PGS.TS. Trần Đăng Khâm, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, CMCN 4.0 xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo năm 2013 của Chính phủ Đức, được đăng tải trên Gartner. Nếu như cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc cách mạng lần hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt; cuộc cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất; cuộc CMCN lần thứ tư được phát triển trên nền tảng cuộc cách mạng lần ba, kết hợp các yếu tố công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

CMCN 4.0 về bản chất là xu hướng hiện đại trong tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm: Các hệ thống không gian mạng thực và ảo; Internet vạn vật và điện toán đám mây; điện toán nhận thức. CMCN lần thứ tư tạo ra “nhà máy thông minh”. Trong bối cảnh đó, ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam đã và đang chứng kiến những tác động mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0, cùng với đó sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (Fintech); đã và đang đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho lĩnh vực này.

Trước vấn đề này, tiến sĩ Lương Thái Bảo, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong kỷ nguyên số, mô hình ngân hàng truyền thống không thể đứng yên. Các ngân hàng sẽ phải thực hiện chiến lược chuyển đổi số để đáp ứng sự thay đổi nhanh của thị trường, khẩu vị của khách hàng và thông qua đó cạnh tranh với các ngân hàng khác. Nền tảng của chuyển đổi số là sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, Internet và các công nghệ liên quan gọi chung là công nghệ số. Hiện nay, ứng dụng công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng vào lĩnh vực tài chính ngân hàng đã trở nên phổ biến và thành một xu thế chủ đạo, được gọi là công nghệ tài chính hay Fintech.

Đại diện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đồng tình, ngành ngân hàng là một trong những ngành đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, chắc chắn không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc CMCN 4.0. Hiện nay, tại Việt Nam, một số ngân hàng thương mại đã và đang bắt đầu quan tâm đến mô hình ngân hàng số và việc triển khai áp dụng ngân hàng số đã đạt được những kết quả nhất định ở một số hoạt động, mảng nghiệp vụ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng đúng tiêu chuẩn của mô hình này, do đó cần lộ trình thực hiện để nâng cấp hệ thống và đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính ngày càng gia tăng. Mô hình ngân hàng số với các đặc trưng sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng nhưng thủ tục đơn giản, thời gian xử lý nhanh và giao dịch không bị rào cản bởi vị trí địa lý thông qua thiết bị kết nối với Internet, rất phù hợp cho xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nganh-tai-chinh-ngan-hang-khong-nam-ngoai-vong-xoay-cach-mang-cong-nghiep-40.html