Ngành Tài chính luôn đi đầu trong cải cách và hội nhập quốc tế

Hà Nội những ngày tháng 8, hòa cùng không khí náo nức của những ngày mùa thu cách mạng, tôi đã được gặp ông để trò chuyện về quãng thời gian gắn bó, sôi động, tự hào trong ngành Tài chính của ông.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế (hàng đầu, ngồi giữa) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia xử lý nợ Câu lạc bộ Pari, Cộng hòa Pháp (tháng 12/1993). Ảnh chụp tư liệu

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế (hàng đầu, ngồi giữa) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia xử lý nợ Câu lạc bộ Pari, Cộng hòa Pháp (tháng 12/1993). Ảnh chụp tư liệu

Người mà tôi nói đến là nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế - người có gần 30 năm công tác tại Bộ Tài chính, trong đó có 9 năm làm thứ trưởng, gần 5 năm trên cương vị Bộ trưởng.

Ngành Tài chính như máu thịt của đất nước

Đúng hẹn, tôi được ông ra tận cửa đón. Trong bộ quần áo giản dị, giọng nói nhẹ nhàng của người con xứ Huế khiến tôi có cảm giác gần gũi. Vừa dẫn tôi vào phòng khách, ông vừa hỏi han về công việc, về cơ quan. Hóa ra ông nắm khá rõ những thay đổi, cũng như những hoạt động của tờ báo - cơ quan mà cách đây đúng 27 năm, khi đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, chính tay ông ký quyết định cho ra đời Thời báo Tài chính Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính.

Mở đầu câu chuyện, ông bảo, ông rất tự hào vì được công tác trong ngành Tài chính. Ông còn nhớ rất rõ thời gian ông được nhận về làm việc tại Bộ Tài chính sau khi tu nghiệp tại Liên Xô trở về, đó là tháng 3/1965. “Người tôi gặp đầu tiên khi về nhận nhiệm vụ là ông Trịnh Văn Bính - Thứ trưởng lúc bấy giờ. Sau khi hỏi han từng người về quá trình học tập, về nguyện vọng, vài ngày sau tôi được giao về công tác tại Vụ Công nghiệp xây dựng và làm giáo viên kiêm chức ở Trường Đại học Tài chính, phụ trách các bài giảng về tài chính và kế toán doanh nghiệp từ khóa 1 đến khóa 3” - ông chia sẻ.

Vì có thời gian dài công tác trong ngành Tài chính, nên ông hiểu rất rõ những bước phát triển, cũng như những thăng trầm mà ngành đã trải qua. “Đặc điểm của Bộ Tài chính là luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đất nước. Ngày 28/8/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời ra đời, thì ngành Tài chính cũng ra đời từ đó. Chính vì thế, ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Tài chính. Có thể nói, từ khi thành lập cho đến nay đã 75 năm, ngành Tài chính luôn gắn bó với sự phát triển của đất nước, giống như máu thịt không thể tách rời” - nguyên Bộ trưởng Hồ Tế bồi hồi.

Tôi hỏi ông, trong gần 30 năm công tác trong ngành Tài chính, trong đó có 9 năm giữ cương vị Thứ trưởng, gần 5 năm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, kỷ niệm mà ông nhớ nhất là gì? Sau phút trầm ngâm, như thể chuyển mạnh suy nghĩ từ hiện tại ngược về quá khứ, ông nói: “Cuộc đời tôi có nhiều thứ lạ lùng, làm những việc mà chưa từng có tiền lệ, từ việc tham gia Đoàn tiếp quản Bộ Tài chính từ chính quyền Sài Gòn năm 1975, đến làm Trưởng đoàn đàm phán xóa nợ với Câu lạc bộ Paris; sau này là người khởi thảo nhiều chính sách tài chính mới mở cửa hội nhập với quốc tế, chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Dù làm công việc gì, ở cương vị nào, tôi cũng luôn được anh em ủng hộ” - nguyên Bộ trưởng Hồ Tế tâm sự.

Nói đến đây bỗng ông dừng lại, rồi ông tiếp: “Ngày 29/4/1975, một ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi được điều động tham gia Đoàn tiếp quản Bộ Tài chính từ tay chính quyền Sài Gòn. Nhóm kinh tài chúng tôi khoảng 25 người, được trang bị quần áo giải phóng, súng và dụng cụ cá nhân. Chúng tôi di chuyển từ nội thành sang sân bay Gia Lâm để vào Đà Nẵng bằng máy bay dân sự. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đi máy bay. Khi bay qua dải đất miền Trung, do máy bay hạ thấp độ cao, tôi nhìn thấy xa xa là kinh thành Huế, rồi xa nữa là phá Tam Giang quê tôi. Sau bao năm xa quê, tôi thấy quê mình đẹp vô cùng. Từ Đà Nẵng, chúng tôi di chuyển tiếp bằng máy bay quân sự đến sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Khi đến đây, vì tình hình an ninh chưa đảm bảo an toàn, nên chúng tôi đã di chuyển vào Sài Gòn bằng xe ô tô trưng dụng tự nguyện của người dân, 2 ngày sau thì đến Sài Gòn, bắt đầu quá trình tiếp quản đầy gian khó…”.

Năng động, sáng tạo và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

Đã đã hơn 20 năm rời nhiệm sở, nhưng ông vẫn rất quan tâm đến tình hình đất nước và của ngành Tài chính. Ông bảo đất nước ta chưa bao giờ có được sự đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị như hiện nay. Nền kinh tế nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cơ hội mới, vận hội mới cho đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng. Việc Bộ Tài chính được đánh giá là một trong các bộ, ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin đã cho thấy chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội này, ông tâm đắc.

Nói đến ngành Tài chính, nơi ông đã cống hiến cả tuổi trẻ và trưởng thành, ông bảo: “Cán bộ tài chính bây giờ được đào tạo bài bản, giỏi giang và năng động. Từ đồng chí Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đến các đồng chí thứ trưởng đều giỏi chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Qua nghiên cứu tôi được biết, Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, nhất là lĩnh vực thuế và hải quan. Đây là điều rất đáng mừng, thể hiện sự tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước. Tôi mong Bộ Tài chính tiếp tục giữ được “nét son” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên đã nói” - nguyên Bộ trưởng Hồ Tế chia sẻ.

Nói đến đây, ông hào hứng hẳn lên, ông nói: “Vừa rồi tôi có theo dõi được biết, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ, Quốc hội ban hành một loạt chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra như: Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp; Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ, xóa nợ thuế… điều này thể hiện sự nhanh nhạy, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính”.

Ông cũng rất tâm đắc khi nhắc đến lĩnh vực chứng khoán - lĩnh vực mà ông cho rằng dù mới nhưng đã có sự phát triển vượt bậc. “Vừa qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức 20 năm thành lập. Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Đây là nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…” - nguyên Bộ trưởng Hồ Tế nói.

“Cán bộ tài chính bây giờ được đào tạo bài bản, giỏi giang và năng động. Từ đồng chí Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đến các đồng chí thứ trưởng đều giỏi chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Qua nghiên cứu tôi được biết, Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, nhất là lĩnh vực thuế và hải quan. Đây là điều rất đáng mừng, thể hiện sự tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước. Tôi mong Bộ Tài chính tiếp tục giữ được “nét son” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên đã nói”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế

Nhật Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-27/nganh-tai-chinh-luon-di-dau-trong-cai-cach-va-hoi-nhap-quoc-te-91568.aspx