Ngành Tài chính huy động tổng lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong dịch Covid-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan nhanh ra các nước trong đó có Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt của người dân và đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã triển khai tích cực nhiều giải pháp vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân. Ông Nguyễn Trường Giang – Quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính đã có một số chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung này.

Ông Nguyễn Trường Giang.

Thưa ông, Bộ Tài chính đã triển khai các công việc gì trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19?

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các công việc trong việc phòng chống dịch bệnh. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở trung ương và các cấp ở chính quyền địa phương để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; đảm bảo kinh phí phòng chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật; hướng dẫn bố trí kinh phí phòng chống dịch theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng cũng giao cơ quan Hải quan các cấp phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, kiểm tra giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, kiểm soát người và phương tiện qua lại tăng cường kiểm soát dịch bệnh; giao Tổng cục Dự trữ nhà nước chuẩn bị sẵn sàng hàng dự trữ Quốc gia cho phòng chống dịch bệnh.

Vậy còn về kinh phí để triển khai các công việc phòng, chống dịch bệnh thì sao, thưa ông?

Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 1074/BTC-HCSN ngày 5/2/2020 về việc bố trí kinh phí và sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Công văn đã hướng dẫn việc bố trí kinh phí và sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể: Kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV theo quy định tại Điều 60 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bao gồm: ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Trước mắt, các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị tham gia phòng, chống dịch bệnh nCoV chủ động sử dụng dự toán NSNN năm 2020 đã được giao, sử dụng các nguồn lực sẵn có, tại chỗ để bảo đảm kịp thời kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nCoV.

Sau khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hoặc trong trường hợp cần thiết phải bổ sung kinh phí, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.

Kinh phí thực hiện và chế độ đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và trách nhiệm chi trả chế độ đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/2/2012 của Bộ Tài chính; Nội dung chi, mức chi đối với công chức, viên chức, người lao động tham gia chống dịch, thực hiện theo quy định tại: Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT-BYT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 26/02/2014.

Bộ Tài chính cũng đã kịp thời trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao để thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, cụ thể: Quyết định số 217/QĐ-TTg bổ sung kinh phí cho các đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID19; Quyết định số 08/QĐ-TTg bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Trung Quốc; Công văn số 110/BTC-HCSN ngày 7/2/2020 bổ sung kinh phí cho Bộ Ngoại giao để thực hiện kế hoạch đưa công dân Việt Nam từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước; Công văn số 1470/BTC-HCSN ngày 17/02/2020 bổ sung kinh phí cho Bộ Ngoại giao để trợ cấp đối với các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Covid-19 gây ra.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Bộ có liên quan trong việc hướng dẫn thực hiện một số chế độ đặc thù và nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020.

Các đơn vị Hải quan đang nỗ lực giữ giao thương hàng hóa để tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Q.H

Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo ngành Hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tạo điều kiện thông quan nhanh chóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giữ giao thương hàng hóa, nhất là linh kiện, thiết bị, nguyên liệu thiết yếu tại các cửa khẩu với các nước đi đôi với bảo đảm ngăn chặn nguồn bệnh nhằm giảm thiểu tác động đến sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp quản lý giá cả thị trường, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt là khẩu trang y tế trên cơ sở nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích hài hòa của người sản xuất, lưu thông phân phối và người tiêu dùng.

Trước thực trạng dịch bệnh gây tác động không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính có giải pháp gì thuộc thẩm quyền để hỗ trợ, thưa ông?

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 7/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Trong đó, có 5 nhóm mặt hàng trong Danh mục, kèm mã số HS và điều kiện cụ thể để được áp dụng miễn thuế nhập khẩu: Khẩu trang y tế, nước sát trùng, nước rửa tay sát trùng, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế, vật tư, trang thiết bị cần thiết khác (bộ trang phục phòng chống dịch) để thu hút các doanh nghiệp nhập khẩu và cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện rà soát, nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, dịch vụ như miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa, chi phí logistics... để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Vân (ghi)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nganh-tai-chinh-huy-dong-tong-luc-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-trong-dich-covid-19-120699.html