Ngành tài chính cam kết hoàn thành cao nhất nhiệm vụ ngân sách

Mặc dù diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn phức tạp, song ngành tài chính khẳng định quyết tâm cao hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị sơ kết công tác tài chín, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị sơ kết công tác tài chín, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

"Trong những tháng còn lại của năm, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, thiên tai mưa bão và các dịch bệnh khác cũng có thể tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Song với tinh thần quyết tâm cao, không chủ quan, ngành tài chính phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020."

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng khẳng định cam kết của ngành tại Hội nghị "Sơ kết công tác tài chính, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm," ngày 7/7.

Theo ông Dũng, trước tác động của đại dịch COVID-19, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện “nhiệm vụ kép," vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp tài khóa ứng phó với đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Thu ngân sách Nhà nước đạt 44,2% dự toán

Về thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng qua, Bộ Tài chính đã trình miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, gia hạn thời hạn nộp thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ôtô và phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

Kết quả, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Song, nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn sẽ đạt khoảng trên 48% dự toán.

Theo báo cáo của ngành tài chính, đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó thu nội địa đạt 44,1% dự toán, giảm 7,1%; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,1% dự toán, giảm 22,3% so với cùng kỳ 2019.

Hiện, cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán. Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu).

Tính đến cuối tháng Sáu, cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 149.000 đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh, tổng số tiền được gia hạn khoảng 43.000 tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180.000 tỷ đồng) do khi tính toán tác động dựa trên tình hình thực hiện những tháng cuối năm 2019, chưa dự báo được những khó khăn nghiêm trọng của kinh tế 6 tháng đầu năm.

Về chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng một số bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung, phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch COVID-19.

Cụ thể, tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán.

"Nhìn chung, công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ," Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bên cạnh đó, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trong 6 tháng đầu năm đã được đảm bảo. Bộ Tài chính đã chủ động phát hành 96.100 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 14,01 năm, lãi suất bình quân 2,99%/năm, thấp hơn vay ưu đãi nước ngoài, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi. Bộ cũng đã đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước. Cùng với đó, công tác trả nợ được tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Hội nghị sơ kết công tác tài chín, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Các nhóm giải pháp đảm bảo nhiệm vụ ngân sách

Đánh giá tình hình hiện nay, vị tư lệnh ngành tài chính nhấn mạnh tác động của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam ngày càng nghiêm trọng.

Do đó, Bộ Tài chính đã trình các kịch bản, phương án cân đối ngân sách Nhà nước ứng phó tác động của đại dịch COVID-19 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

“Ngành tài chính phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020,” ông Dũng khẳng định.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng đưa ra các nhóm giải pháp và đề nghị các bộ, ngành và địa phương quan tâm phối hợp thực hiện.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.

Thứ ba, điều hành chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán được giao, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang). Các địa phương chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện chính sách an sinh xã hội đã ban hành, không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ chính sách trên địa bàn.

Thứ tư, tiến độ hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang rất chậm so yêu cầu kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 6 tháng còn lại năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương trung chỉ đạo triển khai theo kế hoạch, mở rộng các phương thức bán cổ phần vốn góp (kể cả bán toàn bộ doanh nghiệp), phấn đấu đảm bảo số thu từ cổ phần, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo dự toán (45.000 tỷ đồng).

Thứ năm, do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều vấn đề phát sinh ngành cần báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, nên việc ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm (2021-2023) sẽ muộn hơn so với quy định. Sau khi có các văn bản hướng dẫn, Bộ tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương chỉ đạo triển khai xây dựng, đảm bảo bám sát thực tế, thể hiện tính tích cực, ý chí quyết tâm phấn đấu cao./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nganh-tai-chinh-cam-ket-hoan-thanh-cao-nhat-nhiem-vu-ngan-sach/650327.vnp