Ngành sư phạm vẫn bị... 'rớt giá'

Nếu như năm 2017, nhiều trường sư phạm đã phải hạ điểm chuẩn đầu vào xuống còn 9 điểm/3 môn đến năm 2018 các trường sư phạm lại tiếp tục 'rớt giá' khi có những ngành đào tạo chỉ có 1 thí sinh đăng ký xét tuyển.

Nhiều thí sinh không mặn mà với việc đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm. Ảnh ĐH.

Hết thời gian nhập học đợt 1, 4 ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao của trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) chỉ có 6 thí sinh nhập học ngành Sư phạm Ngữ văn, 11 thí sinh nhập học ngành Sư phạm Lịch sử và 1 thí sinh nhập học ngành Sư phạm Toán. Còn trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai lại nâng mức điểm chuẩn ngành sư phạm Văn lên 23 để “đánh trượt” 1 thí sinh duy nhất đạt 22,5 điểm với lý do 1 sinh viên sẽ rất khó khăn nếu đào tạo.

Không những thế nhiều trường sư phạm đã phải thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Như trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa thông báo xét tuyển bổ sung theo 2 hơn 400 chỉ tiêu ở nhiều ngành học.

Điều này cho thấy các trường sư phạm vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, thậm chí có những ngành không tuyển được thí sinh. Nguyên nhân chủ yếu khiến cho thí sinh không mặn mà với các ngành sư phạm do sau khi ra trường khó tìm được việc làm, lương thấp…

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong thời gian qua, các trường sư phạm chưa làm tốt việc gắn đào tạo với sử dụng tạo ra sự tin tưởng trong xã hội. Một việc nữa là tất cả các trường đều cam kết tạo ra chất lượng cao nhưng thực tế xã hội đều bảo có vấn đề. “Tôi cho rằng, cần có câu trả lời về chất lượng đào tạo giáo viên càng sớm càng tốt nếu khát vọng sớm đổi mới thành công vì người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng và phải có thầy tốt mới đào tạo ra thầy giỏi”, ông Minh cho biết

Ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, chất lượng đào tạo sư phạm sẽ quyết định thành bại của đổi mới trong giáo dục. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố như: Chất lượng đầu vào; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên,... Để nâng cao chất lượng đào tạo, bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải tự lột xác, nếu không làm được việc này các trường khó làm được việc khác.

“Chúng ta đang mâu thuẫn về sự tồn tại của các trường sư phạm và việc nâng cao chất lượng của các trường sư phạm. Chúng ta đang mâu thuẫn giữa muốn đầu tư đột phá và lựa chọn cơ sở nào để đầu tư. Chúng ta lo về sự tồn tại lưng chừng của các trường đào tạo sư phạm và hệ quả là vàng thau lẫn lộn và sâu xa hơn là chậm đổi mới, chậm sự phát triển của đất nước”, ông Minh nhấn mạnh

Ông Minh cũng kiến nghị: “Bộ GD&ĐT cần đề xuất với Chính phủ các giải pháp quy hoạch các trường sư phạm, một mình Bộ GD&ĐT không làm được vì có trường thuộc bộ quản lý, có trường trực thuộc tỉnh, trường ngang cấp có, cho nên cần có sự thống nhất”.

Liên quan đến sự việc trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nâng điểm chuẩn ngành sư phạm Ngữ Văn lên 23 điểm để đánh trượt thí sinh, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Việc xét tuyển là quyền tự chủ của các trường, tuy nhiên, điểm chuẩn là các trường phải căn cứ vào chỉ tiêu và xét từ trên xuống đến khi hết chỉ tiêu thì ra điểm chuẩn. Các trường có thể xét chỉ tiêu chênh ra một chút để phòng trường hợp thí sinh không đến xác nhận nhập học. Hiện nay các trường đều dùng nguyên tắc này để xét tuyển. Việc nhà trường tự ý nâng điểm chuẩn lên quá cao để cố tình đánh trượt thí sinh và theo giải thích là vì chỉ có 1 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 nên không thể mở lớp. Thực tế nhà trường làm như vậy là vi phạm nguyên tắc xét tuyển. Dù có 1-2 thí sinh đăng ký vào ngành thì nhà trường phải có giải pháp tuyển thêm các đợt sau để không vi phạm quy chế xét tuyển, không hạ điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn”.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nganh-su-pham-van-bi-rot-gia.aspx