Ngành sư phạm và nỗi buồn mùa tuyển sinh

Với quy định điểm sàn CĐ sư phạm là 15, ĐH là 17, nhiều trường sư phạm đang lâm vào thế khó vì không tuyển đủ chỉ tiêu nhiều trường sư phạm vẫn đang trông ngóng tuyển bổ sung.

Để nâng cao chất lượng sư phạm, trước hết phải nâng đầu vào. Đồng thời, cần quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm theo quy luật cung - cầu của xã hội, của từng địa phương. Dẫu biết, mọi sự thay đổi đều rất khó khăn, nhưng các trường sư phạm cần vượt qua thách thức này.

Trong khi nhiều trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài sư phạm đã ổn định tuyển sinh, thì với quy định điểm sàn CĐ sư phạm là 15, ĐH là 17, nhiều trường sư phạm đang lâm vào thế khó vì không tuyển đủ chỉ tiêu nhiều trường sư phạm vẫn đang trông ngóng tuyển bổ sung.

Đã đến lúc ngành sư phạm cần tạo đột phá để thu hút thí sinh ngay từ đợt đầu như trường quân đội, công an hay y dược.

Dạy học cũng là một nghề, mà nghề đó lại liên quan, ảnh hưởng lớn đến tương lai, vận mệnh của một quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên đã có những “thất bát” nhất định trong chuỗi hệ thống đào tạo nghề “trồng người” trong thời gian qua khiến dư xã hội bức xúc.

Một số vấn đề được chỉ ra: Lương giáo viên có hấp dẫn người tài giỏi? Thậm chí có người giỏi theo nghề, nhưng lại có tiêu cực trong khâu tuyển dụng, bố trí cán bộ. Khốn khổ nhất là giáo viên hợp đồng, muốn được hợp đồng thì phải có tiền lẫn mối quan hệ.

Thậm chí, ở một số địa phương, mỗi Chủ tịch UBND huyện/tỉnh mới lại loại một loạt giáo viên hợp đồng cũ và thay vào đội ngũ giáo viên hợp đồng mới… Điều này càng khiến tâm lý thí sinh vào ngành sư phạm rất bấp bênh, bởi quyền tuyển người vào ngành giáo dục không thuộc ngành giáo dục.

Mặt khác, khâu dự báo nhân lực đâu phải chưa làm, mà lỗi là số trường sư phạm quá nhiều, nhưng thiếu chất lượng. Đào tạo không theo nhu cầu và người học ra trường không tìm được việc làm. Tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có 235 đại học, học viện. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện có 58 đại học, 57 cao đẳng, 40 trung cấp, trong đó có 14 đại học, 33 cao đẳng và 2 trung cấp sư phạm..v..v.

Có thể nói, những ưu đãi không cao, nhưng điểm chuẩn cao thì ngành sư phạm khó hút thí sinh là điều dễ hiểu. Và cũng nên thẳng thắn nói với nhau một điều, mọi sự lựa chọn, trước hết trong thời điểm hiện nay là đầu ra, là công ăn việc làm, là cuộc sống của mỗi thí sinh, chứ chưa hẳn đã là sở trường, sở thích, là ý nguyện thực sự.

Chẳng có mấy ai lại nghĩ đến việc đầu tư thời gian 3-4 năm trời, với số tiền bố mẹ, gia đình bỏ ra không hề nhỏ, để rồi cầm chắc trong tay cái bằng “thất nghiệp”, nhất là đối với những học sinh học giỏi, học khá ở phổ thông.

Đã đến lúc ngành sư phạm cần tạo đột phá để thu hút thí sinh ngay từ đợt đầu như trường quân đội, công an hay y dược. Chẳng phải Thanh Hóa là tỉnh tiên phong của cả nước đưa ra đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm theo diện ‘đặt hàng’ và có đầu ra cho sinh viên đó sao? Một đề án đào tạo nếu thành công, về lâu dài chắc chắn sẽ kích thích được nhu cầu, chất lượng đầu vào giống như các trường khối công an, quân đội.

Bên cạnh đó, tính riêng 11 ngành đào tạo giáo viên hệ đại học chính quy của Trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), trường tuyển 315 thí sinh, hiện đã có 249 em xác nhận nhập học, chiếm 79,04%. Con số này chưa bao gồm thí sinh xác nhận qua đường bưu điện. Vâng, 79,04% là con số đáng mơ ước với nhiều trường sư phạm hiện nay.

Song song, có một đề xuất cần phải được lưu tâm đó là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm: “Xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 đến 20.000 nhân lực giáo dục mỗi năm. Mặt khác, các cơ sở khác, các trường cao đẳng Sư phạm thành các phân hiệu, các cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố tác động tích cực và trực tiếp để phát triển giáo dục địa phương” - GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất.

Không thể phủ nhận vai trò của mô hình đào tạo sư phạm theo kiểu truyền thống bởi sự đóng góp rất lớn của nó cho giáo dục nước nhà trong thời gian khá dài vừa qua. Tuy nhiên, đến nay chúng ta cần phải mạnh dạn thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện tại cũng như tương lai lâu dài.

Để nâng cao chất lượng sư phạm, trước hết phải nâng đầu vào. Cần có hình thức tuyển sinh có tính đặc thù riêng của ngành sư phạm. Đồng thời, cần quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm để đào tạo theo quy luật cung - cầu của xã hội, của từng địa phương..v..v.

Dẫu biết, mọi sự thay đổi đều rất khó khăn, nhưng các trường sư phạm cần vượt qua thách thức này.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nganh-su-pham-va-noi-buon-mua-tuyen-sinh-134641.html