Ngành sư phạm và những khoảng lặng phía sau

Kết thúc tuyển sinh đợt 1, một số trường ĐH, CĐ khối sư phạm mới chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Vì vậy, nhiều trường vẫn còn đang trông ngóng tuyển bổ sung.

Năm nay Bộ GD&ĐT quy định thí sinh đăng ký vào trường ĐH Sư phạm phải đạt từ 17 điểm, CĐ đạt 15 điểm trở lên. Tuy nhiên sau khi kết thúc đợt tuyển sinh ít nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu, vậy nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu?

TS Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho biết trong các ngành tuyển sinh của trường thì trong đợt 1 xét tuyển trường đạt 50% chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; khối các ngành sư phạm khác trường không thể mở lớp vì không tuyển đủ chỉ tiêu. "Kinh nghiệm cho thấy sau đợt 1 xét tuyển, trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu giáo dục mầm non và tiểu học" - TS Chiến nói.

Ngành Sư phạm đang gặp nhiều khó khăn trước thực trạng thừa nhân lực. Ảnh: Internet

Kết thúc tuyển sinh đợt 1, Trường CĐ Bà Rịa - Vũng Tàu mới tuyển được 50% chỉ tiêu. Một đại diện của trường cho biết kết quả tuyển sinh đợt 1, trường mới tuyển sinh được chừng hơn 50% chỉ tiêu 2 ngành sư phạm của trường là lịch sử và tin học. Hiện số lượng hồ sơ xét tuyển bổ sung chưa có thống kê cụ thể nhưng không nhiều.

Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Trường ĐH Đồng Nai, Trường CĐ Sư phạm Nghệ An (còn 3 ngành Sư phạm chưa tuyển được thí sinh nào), Trường ĐH An Giang với 17 ngành Sư phạm (11 ngành bậc ĐH, 6 ngành bậc CĐ) đều phải xét tuyển bổ sung; Trường ĐH Tây Nguyên phải tuyển bổ sung từ 50% - 100% chỉ tiêu cho các ngành Sư phạm toán, vật lý, hóa học, sinh học; nhiều trường như: Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận; Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk… chưa tuyển được hoặc tuyển chưa đủ chỉ tiêu.

Tại Hội nghị tổng kết năm học năm 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GD&ĐT, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: “Các trường hiện chưa làm tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, do đó tạo nên sự dư thừa. Việc quy hoạch các trường dù đã tiên lượng được hậu quả nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi”.

Ông cũng chỉ ra 3 yếu tố khiến học sinh giỏi ít mặn mà với Sư phạm là việc làm, thu nhập, tôn vinh và cơ hội thăng tiến. Ông kiến nghị Bộ GD&ĐT cần đưa ra luận cứ, thời gian, kế hoạch cơ sở kịp thời để trình Chính phủ quy hoạch thay đổi kịp thời cho các trường Sư phạm.

Vậy nguyên nhân từ đâu mà khiến ngày càng ít thí sinh mặn mà với ngành Sư phạm?

Sinh viên ra trường tỷ lệ thất nghiệp cao, không xin được việc làm

Hiện nay ngành Sư phạm là ngành được đánh giá là ngành khó xin việc nhất trong hệ thống các ngành đào tạo tại nước ta. Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường không có việc làm. Hàng năm các trường vẫn tuyển sinh và cả nước có thêm 52.000 chỉ tiêu mới. Dự kiến đến năm 2020 cả nước có khoảng 70.000 sinh viên Sư phạm thất nghiệp. Đây là những con số khiến chúng ta không khỏi giật mình về ngành giáo dục tại Việt Nam.

Đặc biệt việc thi tuyển viên chức trong ngành giáo viên lại vô cùng khó khăn, không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà còn dựa trên những yếu tố khác như mối quan hệ, chi phí xin việc, người nhà làm trong ngành…đặc biệt đối với những gia đình ở nông thôn điều kiện khó khăn nên cũng không ai mặn mà cho con em mình theo học Sư phạm. Thực tế nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải cất tấm bằng đi để xin vào các khu công nghiệp làm công nhân để trang trải cuộc sống.

Thu nhập ngành Sư phạm không đảm bảo cuộc sống

Mức lương trong ngành Sư phạm được đánh giá là thấp so với các ngành khác. So với mặt bằng chung, một giáo viên có thời gian dạy từ 5 đến 7 năm thì mức lương cũng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, trong khi đó mức lương thử việc tại các khu công nghiệp cũng đã 6 triệu đồng/tháng. Đây là vấn đề thực tế mà chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận.

Cần phải giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng trong ngành Sư phạm. Ảnh: Internet

Với mức thu nhập như vậy ở nông thôn đã khó khăn chứ đừng nói là ở thành thị. Lương giáo viên đã thấp lại trả theo kiểu cào bằng, giỏi kém như nhau nên rất khó để thu hút giáo viên giỏi ở lại cống hiến, khiến họ khó an lòng với công việc khi xung quanh đủ thứ lo toan.

GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói: “Có thể nhận thấy, học sinh không chọn sư phạm vì đơn giản họ không tin tưởng vào ngành giáo dục, họ không tin vào việc đãi ngộ cho các sinh viên khi mới ra trường. Ở tuổi lập nghiệp, xây dựng gia đình (từ 22 đến 27 tuổi), người trẻ cần lo toan cho cuộc sống. Học sinh chọn ngành sư phạm, khi ra trường các em có lương thấp không nuôi nổi bản thân với 2 triệu đồng/tháng, thậm chí không có khả năng xin việc thì đương nhiên sẽ không ai mặn mà".

Người thầy không được tôn trọng đúng mực

Nghề giáo là nghề đặc thù, là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, nghề này rất cần các thầy cô giỏi, có tâm huyết mới đủ sức đào tạo nên những thế hệ học trò có năng lực, tư duy tốt, có phẩm chất đạo đức tốt. Người thầy như một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Chính thầy cô trong nhà trường đã góp công sức lớn lao trong việc giáo dục, dạy dỗ học sinh trở thành những người công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Giáo viên hiện nay còn đối mặt với quá nhiều áp lực từ việc thay đổi cách học, cách dạy, thay đổi cách quản lý đến việc thiết kế giáo án, bài dạy. Đặc biệt trong thời buổi hiện nay, giáo viên muốn chuyên tâm vào việc dạy thì lúc nào cũng phải dĩ hòa vi quý đối với học sinh và phụ huynh. Nhiều giáo viên có ý kiến rằng hiện nay nhiều phụ huynh nuông chiều con thái quá thậm chí hành hung giáo viên. Nhiều giáo viên phải bỏ nghề cũng vì không nhịn được học sinh mà nóng giận tát, đánh một vài cái.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Muốn thu hút sinh viên giỏi, người thực sự yêu nghề vào ngành Sư phạm cần có giải pháp tổng thể từ thu nhập, vị trí, đánh giá xã hội đối với nghề giáo”. Tất cả những vấn đề nêu trên, ngành Sư phạm cần phải giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng như thu nhập, việc làm, vị trí trong xã hội… thì mới có thể thu hút được thí sinh và thay đổi cách nhìn trong xã hội.

P.Thảo (t/h)

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/giao-duc/nganh-su-pham-va-nhung-khoang-lang-phia-sau-13681