Ngành Sư phạm ĐH Quảng Nam gặp khó

Là trường đào tạo đa ngành, đa hệ song những năm gần đây ĐH Quảng Nam chủ yếu tuyển sinh ngành sư phạm. Tuy nhiên, với những quy định khắt khe hơn về đầu vào của sinh viên (SV) sư phạm thì đến nay ĐH Quảng Nam vẫn loay hoay vì chỉ mới tuyển được một nửa so với chỉ tiêu đề ra.

Là trường đào tạo đa ngành, đa hệ song những năm gần đây ĐH Quảng Nam chủ yếu tuyển sinh ngành sư phạm. Tuy nhiên, với những quy định khắt khe hơn về đầu vào của sinh viên (SV) sư phạm thì đến nay ĐH Quảng Nam vẫn loay hoay vì chỉ mới tuyển được một nửa so với chỉ tiêu đề ra.

Kết thúc đợt 1, ĐH Quảng Nam chỉ mới tuyển được 50% chỉ tiêu (ảnh minh họa).

Thiếu chỉ tiêu trầm trọng

Đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Nam thì lâu nay sư phạm là một trong những ngành được yêu thích do người học được miễn học phí, nhưng năm nay không nhiều thí sinh đạt yêu cầu về điểm đầu vào và xếp loại học lực để đăng ký vào ngành sư phạm. Trong khi đó, năm 2018, sư phạm là ngành duy nhất được Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn nhằm nâng cao chất lượng giáo viên. Theo đó, mức điểm tối thiểu các tổ hợp xét tuyển vào ĐH sư phạm là 17 điểm; cao đẳng sư phạm là 15 điểm. So với chỉ tiêu (CT) tuyển sinh được giao trong năm 2018 (1.040 CT cho các ngành đào tạo ĐH và 380 CT cho các ngành đào tạo cao đẳng), kết thúc tuyển sinh đợt 1, Trường ĐH Quảng Nam chỉ tuyển được 465 CT ĐH, 50 CT cao đẳng. Như vậy, nhà trường tuyển được chưa tới 50% CT ĐH và dưới 15% CT cao đẳng. Hiện nay nhà trường đang thông báo tiếp tục tuyển sinh đợt 2.

“Tuyển sinh sư phạm năm nay khó hơn bởi là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho ngành bậc ĐH là 17 điểm, cao đẳng là 15 điểm. Trong khi mặt bằng điểm thi thấp nên nguồn tuyển hạn hẹp. Ngoài ra, ngành sư phạm các ĐH địa phương sẽ kém sức hút hơn trường ở thành phố lớn. Ngành đào tạo thu hút nhiều SV của nhà trường nhất là sư phạm tiểu học và sư phạm mầm non thì năm nay Bộ GD-ĐT chỉ cho phép tuyển 45 CT sư phạm mầm non, 20 CT sư phạm tiểu học. Đến nay 2 ngành này cơ bản đã tuyển đủ CT nên không thông báo tuyển bổ sung trong khi những ngành khác thì rất thiếu”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Trưởng phòng khảo thí và kiếm định chất lượng ĐH Quảng Nam cho biết.

Xây dựng thương hiệu ĐH Quảng Nam

Đó là đề xuất của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh trong buổi làm việc với Trường ĐH Quảng Nam để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2018 - 2019 và định hướng cho sự phát triển của nhà trường trong những năm tiếp theo trong điều kiện khan hiếm sinh viên. PGS.TS. Huỳnh Trọng Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay, trường được cấp phép đào tạo 15 mã ngành ĐH, 25 mã ngành cao đẳng; lưu lượng SV năm học 2017-2018 là 5.500, trong đó 4.100 SV hệ chính quy. Tuy nhiên, thời gian qua nhà trường gặp nhiều khó khăn như kết quả tuyển sinh đạt thấp (trung bình hàng năm chỉ đạt khoảng gần 60%), thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ tiến sĩ, thiếu nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất đã xuống cấp”, ông Dương cho biết.

Phó Chủ tịch Lê Văn Thanh chia sẻ những khó khăn mà trường gặp phải; đồng thời có ý kiến chỉ đạo một số nội dung để định hướng sự phát triển của ĐH Quảng Nam trong thời gian đến. Trong đó tập trung ở các lĩnh vực: Đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyển sinh, cơ sở vật chất, tổ chức, quản trị... Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Lê Văn Thanh lưu ý nhà trường cần quan tâm hơn đến việc xây dựng thương hiệu, trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chú trọng việc đào tạo phải phải gắn với thực tiễn. “Cần phải tạo uy tín, nâng cao chất lượng để học sinh không chỉ địa bàn Quảng Nam mà các địa phương khác biết đến nhất là chất lượng ngành Sư phạm. Chúng ta phải thu hút SV bằng chính chất lượng nội dung giảng dạy”, ông Thanh nhấn mạnh.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_193982_nganh-su-pham-dh-quang-nam-gap-kho.aspx