Ngành sơn và dung môi: Phát triển gắn với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam, nâng cao nhận thức, thúc đẩy những sáng kiến về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là nội dung đưa ra tại Hội thảo 'Hóa học xanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp' do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cục Hóa Chất - Bộ Công Thương, phối hợp với Câu lạc bộ Sơn-Mực in Miền Bắc tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Buổi hội thảo thu hút được sự tham dự của hơn 60 đại biểu trong đó có đại diện của Cục Hóa Chất, UNDP, nhóm các chuyên gia nòng cốt của dự án cùng đại diện các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Sơn-Mực in miền Bắc, các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho sơn, phía công ty Cổ phần Sơn Nishu và hệ thống đại lý...

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại” do Cục Hóa Chất - Bộ Công Thương thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và UNDP.

Theo kết quả nghiên cứu về hàm lượng chì trong các loại sơn dầu dân dụng tại Việt Nam của IPEN (2017): Khi phân tích 26 mẫu sơn của 11 hãng khác nhau tại Việt Nam thu thập năm 2016, có tới 54% mẫu cho kết quả hàm lượng chì vượt quá 600ppm (giới hạn cho phép), có mẫu chạm tới 21000ppm. Ngành công nghiệp sơn và dung môi là một trong 6 ngành được dự án lựa chọn ứng dụng Hóa học xanh do có sử dụng các chất POPs. Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các phương pháp ứng dụng Hóa học xanh của quốc tế, đặc biệt là các công ty trong ngành sơn. Các chuyên gia đến từ Hội hóa học Việt Nam cũng chia sẻ các cách để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Buổi hội thảo thu hút được sự tham dự của hơn 60 đại biểu, trong đó có nhiều doanh nghiệp

Buổi hội thảo thu hút được sự tham dự của hơn 60 đại biểu, trong đó có nhiều doanh nghiệp

Các giải pháp ban đầu trong khuôn khổ dự án Hóa học xanh được triển khai tại một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần sơn Nishu. Đã từng tham gia vào chương trình Sản Xuất Sạch Hơn do Bộ Công Thương phát động thực hiện, tuy nhiên Nishu vẫn phải sử dụng các dung môi Paraffin Clo hóa mạch ngắn C10-13 (SCCP) trong công thức sơn, một loại hóa chất POP rất độc hại cho sinh vật dưới nước, dễ tích độc trong cơ thể người và động vật. Nishu cũng cam kết thay thế hóa chất này bằng 2 loại khác là Paraffin Clo hóa mạch trung C14-17 và mạch dài, dạng bột.

Trong công thức sơn, kim loại nặng chì (Pb) được sử dụng nhờ nhiều công dụng như giảm rạn nứt bề mặt, làm mịn bề mặt, giúp sơn nhanh khô và chống phong hóa... Việc phơi nhiễm chì đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt kê vào top 10 triệu chứng “chậm phát triển trí tuệ” do có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trẻ em, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể người.

Năm 2018, thế giới đã có 70 quốc gia quy định quản lý chặt chẽ việc sử dụng chì trong sơn. Luật Hóa chất châu Âu REACH đã có 31 quốc gia đã cấm hoàn toàn việc sử dụng chì trong sơn. Một số quốc gia đã quy định hàm lượng chì trong sơn nhỏ hơn 90 ppm, trong đó bao gồm các quốc gia châu Á như Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ…

“Khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định Thương mại tự do, để sản phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập vào các chuỗi cung ứng, mang lại lợi ích lớn hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu thì các doanh nghiệp cần đi theo hướng Hóa học xanh, giúp doanh nghiệp phát triển, tăng trưởng dài hạn, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững ở Việt Nam và giảm áp lực lên hành tinh” – ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam chia sẻ.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam chia sẻ

Cũng trong chuỗi hoạt động áp dụng Hóa học xanh, căn cứ theo yêu cầu của Cục Hóa Chất - Bộ Công Thương, Công ty Sơn Nishu đã kiểm định hàm lượng chì các sản phẩm sơn tại trung tâm thử nghiệm VINACOTROL. Kết quả được công bố ngày 30/11/2020 với số liệu hàm lượng chì trong hệ sơn dầu ≤ 50.9ppm, hệ sơn nước ≤ 0.53ppm, hệ sơn công nghiệp Epoxy ≤ 34.78 ppm, thấp hơn yêu cầu trong Dự thảo Quy chuẩn Quốc gia lộ trình 5 năm về hàm lượng chì trong sơn.

Hội thảo đã lắng nghe và tiếp thu các sáng kiến cũng như nguyện vọng của các doanh nghiệp, thẳng thắn chia sẻ quan điểm và đồng nhất hướng tới sự gắn kết lâu dài cho mạng lưới Hóa học xanh ngày một phát triển rộng rãi. Phía UNDP khẳng định vai trò đồng hành cùng các doanh nghiệp về khoa học kỹ thuật, ngân sách khi áp dụng Hóa học xanh, đồng thời mong muốn các bên đi đến những cam kết cụ thể, hiện hữu hơn về mục tiêu cắt giảm các hóa chất POP và hóa chất độc hại.

Trong phát biểu tổng kết Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 31/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Chúng ta không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội để lấy kinh tế". Dự án của Cục Hóa Chất - Bộ Công Thương đang từng bước thực thi mục tiêu đó và khẳng định tầm quan trọng của Hóa học xanh trong bối cảnh phát triển kinh tế đi đôi với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-son-va-dung-moi-phat-trien-gan-voi-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-149904.html