Ngành sơn độc hại chỉ xếp sau công nghiệp hóa chất

Dù được đành giá có nhiều tiềm năng nhưng nguyên liệu sản xuất sơn, mực in đều nhập khẩu 70-80%. Ngành công nghiệp sơn, mực in đứng thứ 2 sau công nghiệp hóa chất về độ độc hại, cháy nổ, ô nhiễm không khí, môi trường…

Ngành sơn độc hại sau ngành hóa chất

Ngành sơn độc hại sau ngành hóa chất

Ngày 12/12, trong hội thảo Ngành công nghiệp sơn, mực in Việt Nam hướng tới sản phẩm an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường diễn ra tại TPHCM, nhiều đại biểu đã chia sẻ những bất cập, khó khăn khi muốn sản xuất sản phẩm an toàn sức khỏe, thân thiện môi trường.

Theo Ths.Vũ Thị Hương, Trưởng phòng Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất Bộ Công thương, ngành sơn, mực in có hội tăng trưởng rất lớn. Đơn cử như với mực in, do doanh nghiệp Việt tăng thêm hàng năm trung bình khoảng 55.000, bên cạnh đó thị trường xuất khẩu tăng cao là cơ hội cho ngành sản xuất, kinh doanh mực in tăng trưởng.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng bất lợi với ngành này nguyên liệu nhập khẩu tới 70%; 85% máy móc đều từ nước ngoài; thiếu sự liên kết, hợp tác; thiếu hệ thống tiêu chuẩn thống nhất và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hoạt động quản lý chất lượng thiếu tính hiệu lực, chưa phù hợp với ngành khiến hiệu quả kém.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lạc Huyền, Chủ tịch Hiệp hội sơn, mực in Việt Nam cho biết: “Do ngành vẫn chưa quản lý được nguyên liệu đầu vào nên nhiều hóa chất độc hại, nguy hiểm có khuyến cáo của quốc tế vẫn tồn tại ở Việt Nam, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đạc biệt là ung thư. Sự quan tâm đến sức khỏe của công nhân, công đồng cũng chưa được tốt. Cụ thể là trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông (Hà Nội) đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng”.

Thực tế, đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất sơn, dù rất muốn sản xuất sản phẩm an toàn nhưng lại liên quan đến giá thành. Chi phí đầu tư cao trong khi giá bán phải cạnh tranh khiến nhiều đơn vị, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa rất chật vật. Không ít doanh nghiệp cho rằng, sẽ sớm “sập tiệm” nếu giá bán cào bằng đối với hàng an toàn so với sản phẩm nhiều hóa chất độc hại.

Thừa nhận vấn đề khó khăn trong giá bán đối với những sản phẩm an toàn là điều “đau đầu” của Bộ Công thương, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng phòng phát triển công nghiệp hóa chất khẳng định, Luật Hóa chất đã ban hành danh mục các loại hóa chất độc hại trong sản xuất.

Theo đại diện Bộ Công thương, sản xuất sản phẩm an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường là một xu hướng tất yếu trong ngành công nghiệp sơn và mực in. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chì, VOC… trong ngành này. Tại Việt Nam, doanh nghiệp cũng bắt đầu ý thức hơn về trách nhiệm xã hội, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chặn mối nguy hại cho người sử dụng, người thi công cũng như giảm tác hại với môi trường.

“Từ năm 2014-2015, Bộ Công thương đã công cấp phép phát triển những dự án sơn, mực in có hóa chất độc hại. Chúng tôi đề xuất Bộ cấp các loại giấy phép để theo dõi, dự kiến năm 2020 sẽ xây dựng quy chuẩn về nồng độ, hàm lượng chì trong sơn, mực in” – ông Thanh nói.

Từ 17-19/6/2020, triển lãm và hội thảo quốc tế ngành công nghiệp sơn phủ và mực in – Coating Expo Vietnam 2020 dự kiến diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), với 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Đây là cơ hội để các nhà sản xuất, kinh doanh trao đổi kinh nghiệm, tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm sơn, mực in an toàn sức khỏe và môi trường.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nganh-son-doc-hai-chi-xep-sau-cong-nghiep-hoa-chat-1498134.tpo