Ngành rau, quả năm 2020: Có cơ sở để kỳ vọng

Dù kết quả xuất khẩu năm 2019 không đạt kế hoạch đề ra song năm 2020, ngành rau, quả vẫn đặt mục tiêu đạt 5 tỷ USD do có nhiều thuận lợi trong các FTA và những điểm yếu nội tại đang dần được khắc phục.

Lỡ hẹn mục tiêu vì nhiều rào cản

Năm 2019, xuất khẩu rau, quả không như kỳ vọng khi giảm khoảng 1% so với 2018 và chỉ đạt mức 3,8 tỷ USD. Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu rau, củ, quả giảm là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thêm vào đó, việc chưa tận dụng được cơ hội từ các hiệp định tự do cùng những bất cập nội tại của ngành khiến cho xuất khẩu rau, quả lỡ hẹn mục tiêu 4 tỷ USD đã đề ra.

Quả vải tươi đang có nhiều cơ hội xuất khẩu

Quả vải tươi đang có nhiều cơ hội xuất khẩu

Đơn cử như Tập đoàn Vina T&T, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của DN này đạt khoảng 30 triệu USD. Trước những thuận lợi mà ngành rau, củ, quả Việt Nam có được từ các hiệp định thương mại như: CPTPP và EVFTA, T&T đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng 20% so với năm 2018. Tuy nhiên, kết thúc năm 2019, T&T đã không đạt được chỉ tiêu đề ra.

Kỳ vọng cao trong năm 2020

Bước sang năm 2020, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng, giá trị xuất khẩu của ngành sẽ tăng mạnh, đạt khoảng 5 tỷ USD. Cơ sở để ngành đặt mục tiêu cao theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam là do Hiệp định EVFTA được dự kiến có hiệu lực trong năm 2020. Và ngay khi EVFTA thực thi, thuế xuất của ngành hàng rau, củ, quả từ Việt Nam sang châu Âu sẽ về 0% ngay lập tức.

“Trước khi EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam chịu thuế rất cao từ 20 - 30%, nên có những chuyến hàng DN chẳng những không có lãi mà còn phải chịu lỗ. Vì vậy, việc giảm thuế sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho DN trong 2020” - ông Phạm Cao Vân - Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Kim Hải - nhận định.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2019, nhiều sản phẩm rau, quả đã chinh phục được những thị trường khó tính. Có thể kể tới như xoài chính thức trở thành loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Hay việc Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) đã có thư gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Đây là tiền đề để năm 2020, ngành rau, quả có thêm cơ hội bứt phá hơn.

Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng kể trên, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, ngành rau, quả phải khắc phục những điểm yếu về sản xuất, nguyên liệu qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. “Ở Việt Nam hiện tại diện tích trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP chỉ có 5%, trong tổng số khoảng 1 triệu hecta đất. Do đó, sắp tới, muốn tăng sản lượng rau, quả xuất sang châu Âu phải khuyến khích người dân tăng diện tích trồng theo tiêu chuẩn này” - ông Nguyên phân tích.

Ngoài việc chủ động vùng nguyên liệu, hiện tại đa số các DN xuất khẩu rau, quả đều tập trung phát triển trong lĩnh vực chế biến sâu. Mục đích chính để việc bảo quản rau, quả tốt hơn, giữ được chất lượng lâu hơn và tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng này.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-rau-qua-nam-2020-co-co-so-de-ky-vong-131550.html