Ngành rau quả hứa hẹn một năm khởi sắc

Với những tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên dự báo, năm 2023 xuất khẩu rau quả sẽ khởi sắc, tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2022 và có thể đạt 4 tỷ USD.

Trái cây liên tục xuất ngoại

Vinafruit cho biết, tính tới tháng 11.2022, xuất khẩu rau quả đã đạt hơn 3,1 tỷ USD. Hết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 3,4 tỷ USD. Thực tế, những tháng cuối năm, ngành đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, trái cây Việt liên tục được xuất ngoại.

Năm 2023, xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD

Năm 2023, xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD

Đơn cử, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành, trong những tháng cuối năm xuất khẩu rau quả đã bớt khó khăn so với đầu năm. Đến nay đã có hàng loạt sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam như chuối, sầu riêng, chanh dây… được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Đài Loan, Hà Lan… cũng ghi nhận kết quả khả quan. Ngày 15.11, Việt Nam và New Zealand đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu chanh xanh và bưởi của Việt Nam sang New Zealand. Trước đó, xoài, thanh long và chôm chôm của Việt Nam cũng đã vào thị trường này.

Cuối tháng 11.2022, những lô bưởi da xanh đầu tiên đã chính thức lên đường sang Mỹ, đây là loại trái cây thứ 7 được xuất khẩu sang sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Tính đến tháng 11.2022, kim ngạch đạt đến 240 triệu USD tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Nhật Bản cũng cho phép nhập khẩu quả nhãn, mắc ca của Việt Nam.

Tổng Thư ký Vinafruit Đặng Phúc Nguyên nhận định, các thị trường liên tục mở cửa cho mặt hàng trái cây tươi Việt Nam là một tín hiệu rất đáng mừng. Dự báo, năm 2023, sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc, tăng trưởng ít nhất là 20% so với năm 2022, có thể đạt 4 tỷ USD. Các doanh nghiệp của ngành sẽ có nhiều cơ hội hơn vào năm tới, bởi Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid, cùng với đó là 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả.

Riêng với thị trường chủ lực của nước ta là Trung Quốc, năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán thêm 8 mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) xuất chính ngạch theo Nghị định thư.Bên cạnh đó, đợt hạn hán vừa qua đã khiến cho nhiều diện tích trái cây bị hư hại, nên nước này sẽ tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đơn cử, sầu riêng chính vụ của Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 4 cho đến tháng 5.2023, thời điểm hiện tại Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để Trung Quốc có thể cấp thêm mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nếu làm tốt kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể tăng 20 - 30%.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Tuy vậy, ông Nguyên lưu ý Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nên doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ những quy định của nước này, kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt. Muốn làm ăn lâu dài với không chỉ với Trung Quốc mà còn nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, EU... thì phải tìm kiếm được đối tác có tiềm lực, làm việc bài bản, minh bạch và đặc biệt không gian lận nếu không sẽ đánh mất thị trường.Hiện nhiều mặt hàng trái cây tươi là sản phẩm chủ lực tại các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch chính nên cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

Nói về kế hoạch của doanh nghiệp trong năm 2023, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, năm tới là giai đoạn tăng tốc cho 2 sản phẩm là sầu riêng và bưởi. Chánh Thu vẫn liên tục cập nhật thông tin liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu cũng như các thông tin về hàng rào kỹ thuật, các thị trường mới... Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao liên kết cùng nông dân và các đơn vị khác để có được vùng nguyên liệu tốt nhất phục vụ cho xuất khẩu.

Các chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh, muốn bền vững phải có bạn hàng, phải liên kết có những vùng sản xuất bảo đảm yêu cầu mã số vùng trồng của nước xuất khẩu. Do đó, cần tổ chức lại sản xuất để vừa giảm chi phí đầu vào, vừa bảo đảm tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung chuyển đổi sang xu hướng xuất khẩu xanh. Ngoài Trung Quốc, năm nay thị trường Mỹ cũng có nhiều chuyển biến rất tích cực, vì vậy cần nhiều sự hỗ trợ để giúp bà con nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, kỳ vọng sẽ sớm đưa được chanh dây và dứa của Việt Nam vào thị trường này.

Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD; năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tập trung tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường. Tiếp tục chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ nông dân vay vốn, xây dựng vùng trồng tập trung. Thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nganh-rau-qua-hua-hen-mot-nam-khoi-sac-i313335/