Ngành Quản lý thị trường: Nội bộ mới là vấn đề cần kiểm soát

'Ngành Quản lý thị trường (QLTT) phải đẩy mạnh thanh tra nội bộ bởi nội bộ mới là vấn đề cần phải kiểm soát mạnh mẽ nhất vì nếu không trong sạch thì sẽ hoạt động không hiệu quả. Không chỉ đẩy mạnh mà phải làm mạnh', Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh khẳng định khi trao đổi với PLVN.

Các hoạt động công vụ của lực lượng QLTT sắp tới sẽ được “quan sát” thường xuyên

Các hoạt động công vụ của lực lượng QLTT sắp tới sẽ được “quan sát” thường xuyên

Sẽ “quan sát” hoạt động công vụ thường xuyên

Thời gian gần đây, “một số hoạt động không đúng pháp luật của một đội QLTT ở TP Hồ Chí Minh” đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin này nhưng hiện nay chưa thể nói điều gì vì đang chờ Cục QLTT TP Hồ Chí Minh giải trình.

Tuy nhiên, những “hoạt động công vụ được phản ánh không đúng quy định pháp luật” như trên sẽ sớm được nhận diện, xử lý thông qua Thông tư quy định về việc kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng QLTT, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo.

Ông Linh cho biết, trước đây, theo mô hình cũ, Cục QLTT chỉ quản lý về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, kiểm tra nội bộ tập trung chính vào kiểm tra đối với hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT còn lại do chính quyền địa phương quản lý, giám sát. Hiện nay, mô hình quản lý, công tác chỉ đạo điều hành theo mô hình ngành dọc nên không chỉ có hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính mà các hoạt động công vụ khác cũng cần được giám sát thường xuyên.

Theo đó, bổ sung thêm các nội dung kiểm tra như: Kiểm tra hoạt động công vụ của công chức QLTT đối với hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; Kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản tại cơ quan QLTT các cấp; Kiểm tra kỷ cương, kỷ luật lao động và việc chấp hành các quy định của pháp luật của công chức.

Có 3 hình thức kiểm tra quy định tại Thông tư này bao gồm: Kiểm tra nội bộ định kỳ theo chương trình, kế hoạch; Kiểm tra nội bộ bất thường và Kiểm tra nội bộ đột xuất trong hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị. Với các hình thức kiểm tra này, đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm kiểm tra nội bộ sẽ có thêm “ăng ten” để nắm bắt hoạt động công vụ nội bộ, sẽ sớm nhận diện được các hoạt động vi phạm trong hoạt động công vụ của lực lượng này.

Một vị đại diện của Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục QLTT) cũng nói với PLVN, khi đẩy mạnh hoạt động kiểm tra nội bộ, bất kỳ một công chức QLTT nào cũng có thể bị “quan sát” trong bất kỳ hoạt động công vụ nào nên chắc chắn, những “tín hiệu nhiễu” thường thấy trước đây sẽ dần được loại bỏ.

Thanh tra nội bộ được tiến hành hàng ngày…

Đại diện Tổng cục này khẳng định, khi Thông tư này được thi hành, các vi phạm pháp luật của công chức, cơ quan QLTT sẽ được hạn chế một cách tối đa. Vì hoạt động kiểm tra với 3 hình thức định kỳ, bất thường và đột xuất bảo đảm việc kiểm tra nội bộ được thực hiện xuyên suốt từ trung ương đến địa phương (đến tận cấp Đội QLTT) hàng ngày, hàng tháng và có tổng kết mỗi năm.

Đặc biệt, các hành vi vi phạm pháp luật phát hiện ra trong quá trình kiểm tra nội bộ được đình chỉ ngay cùng với áp dụng các biện pháp ngăn chặn và thực hiện việc sửa chữa, khắc phục vi phạm. Sau đó sẽ tiến hành xử lý kỷ luật thích đáng với những công chức có vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng.

Thông tư này cũng quy định, người đứng đầu cơ quan QLTT được kiểm tra không chấp hành quyết định kiểm tra nội bộ, có hành vi gây khó khăn cản trở cho việc kiểm tra, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kết luận kiểm tra nội bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Các hoạt động thanh tra nội bộ không chỉ góp phần làm trong sạch đội ngũ QLTT mà còn có thể phát hiện những điểm yếu của lực lượng để có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức. Ngoài ra, dự thảo Thông tư này còn quy định việc “kiểm tra nội bộ lại”. Đây là nội dung mới được quy định để kiểm tra lại kết luận kiểm tra nội bộ do Cục trưởng kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra lại trong trường hợp còn nội dung chưa rõ, chưa đủ căn cứ kết luận theo quy định. Thông tư cũng quy định cụ thể các dấu hiệu vi phạm pháp luật làm căn cứ “kiểm tra nội bộ lại”.

Nhật Thu

Loading...

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/nganh-quan-ly-thi-truong-noi-bo-moi-la-van-de-can-kiem-soat-453352.html