Ngành quản lý tài sản dự báo đạt giá trị gần 150 nghìn tỷ USD đến năm 2025

Báo cáo toàn cầu với chủ đề 'Cuộc cách mạng quản lý tài sản: Sức mạnh để định hình tương lai ' vừa được PwC công bố cho thấy ngành quản lý tài sản có sức mạnh vượt trội để định hình tương lai khi đang nắm giữ giá trị tài sản lên tới 110 nghìn tỷ USD (lớn hơn 20 lần ngân sách liên bang của Hoa Kỳ).

Dự kiến khối tài sản toàn cầu đang được quản lý này sẽ tăng trưởng 5,6% mỗi năm, đạt giá trị 147,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và có thể định hình tương lai tích cực hơn cho các nhà đầu tư, các cổ đông, nền kinh tế và rộng hơn là toàn xã hội.

Báo cáo dựa trên dữ liệu, phân tích, đánh giá chuyên môn và mô hình kinh tế lượng bởi Trung tâm nghiên cứu Quản lý tài sản của PwC.

Báo cáo nhấn mạnh một số phát hiện chính và các vấn đề mà ngành quản lý tài sản cần chú trọng tháo gỡ, điều này cũng sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo, các công ty quản lý tài sản có thể tập trung vào các lĩnh vực gồm: Đầu tư cho tương lai: Khoảng cách tài trợ ngày một lớn sẽ cần được lấp đầy để hỗ trợ các nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi;

Chu cấp cho tương lai: Trước tình trạng dân số đang già hóa, gia tăng khoảng cách lương hưu và các thách thức về nhân khẩu học, ngành quản lý tài sản có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư đạt được mục tiêu tích lũy của mình;

Ưu tiên các yếu tố ESG cho tương lai: Với giá trị khối tài sản đang được quản lý lên đến 110 nghìn tỷ USD - và còn đang tăng trưởng, ngành công nghiệp này có khả năng thực sự thay đổi thế giới từ góc độ ESG.

Khi xem xét lại chiến lược phát triển để thích ứng với tương lai, các công ty quản lý tài sản cần lưu ý sửa chữa, tái cấu trúc mô hình hoạt động cũng như cải tiến phương thức báo cáo.

Bức tranh ngành quản lý tài sản tại Việt Nam

Hiện nay, thị trường ngành quản lý tài sản tại Việt Nam theo nhận định vẫn còn non trẻ.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“SCC”), đến nay chỉ có 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động. Tuy nhiên, ngành công nghiệp đã ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây với mức tăng trưởng về giá trị khối tài sản quản lý (AuM) là 20%, đạt 13,4 tỷ USD vào năm 2019 (theo ước tính của SCC) và dự kiến sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng đầy hứa hẹn -- đặc biệt với kế hoạch tăng cường tái cơ cấu của SCC vào năm 2020.

Bà Olwyn Alexander, Lãnh đạo toàn cầu về Quản lý Tài sản của PwC, nhận định: “Các công ty quản lý tài sản có thể tập trung nguồn vốn vào các cơ hội đầu tư để góp phần thúc đẩy đưa các nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Điều quan trọng là cần nhìn nhận và hiểu được sức mạnh mà ngành này có thể tác động tới tương lai -- một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người; các nhà đầu tư, các cổ đông và nền kinh tế nói chung. Thế giới mà chúng ta để lại cho thế hệ tương lai là vấn đề quan trọng. Ngành quản lý tài sản cần hành động ngay thời điểm này để mang đến những thay đổi tích cực.

Lợi nhuận tài chính luôn nắm giữ vai trò quan trọng, tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà đầu tư cho rằng giá trị xã hội cũng có vai trò quan trọng không kém. Chúng tôi nhận thấy rằng các công ty quản lý tài sản mang lại giá trị vượt trội về cả mặt xã hội và tài chính sẽ là những người chiến thắng đích thực trong thập kỷ tới - khi họ vừa là những thỏi nam châm thu hút đầu tư đồng thời có thể duy trì lợi nhuận vượt trội cho các cổ đông và đối tác.”

Theo báo cáo, ngành quản lý tài sản có thể trở thành một trong những động cơ thúc đẩy cỗ máy kinh tế và là động lực cho phát triển bền vững trước những bất ổn và biến động hiện nay trên thế giới. Trong đó, tạo nguồn vốn cho tương lai, chu cấp cho tương lai và nắm bắt các vấn đề liên quan tới ESG là những yếu tố then chốt.

Đầu tư cho tương lai

Ở mức 41 nghìn tỷ USD, cho vay phi ngân hàng hiện đã vượt qua hình thức cho vay ngân hàng ở các nền kinh tế phát triển. Cùng với đó, lãi suất duy trì ở mức thấp và tỉ lệ an toàn vốn cao hơn sẽ làm gia tăng áp lực lên các ngân hàng và khả năng cho vay. Điều này đã tạo cơ hội cho các quỹ thị trường tư nhân hỗ trợ tài trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thống còn hạn chế.

Bằng cách tham gia cung cấp tài chính trong toàn bộ hệ thống cấu trúc vốn, ngành quản lý tài sản có thể giải quyết một trong những mục tiêu chính trong Kế hoạch hành động của Liên minh các thị trường vốn EU và cải thiện thị trường vốn tư nhân.

Nhìn nhận ở xu hướng đầu tư cho tương lai, các chuyên gia PwC cho rằng các công ty quản lý tài sản có khả năng đạt lợi nhuận vượt trội với vai trò là đơn vị cung cấp vốn thay thế

Chu cấp cho tương lai

Báo cáo của PwC cũng chỉ ra một chỉ ra một xu hướng rõ ràng rằng khi xã hội càng tạo ra nhiều của cải, chúng ta càng có khả năng tiết kiệm cũng như đầu tư.

Bên cạnh đó, với tuổi thọ trung bình ngày một cao, ngành quản lý tài sản có thể đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề đang ngày một nghiêm trọng về khoảng cách lương hưu cũng như tình trạng nghèo của người già.

Theo báo cáo, lượng tài sản được quản lý trong các quỹ cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tăng gấp đôi đến năm 2025. Các công ty quản lý tài sản có thêm cơ hội để tạo điều kiện phát triển cho tương lai như hỗ trợ sự thiếu hụt ngày một nghiêm trọng về đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là từ chính phủ.

Ở các thị trường phát triển, có nhiều cơ hội cho các dự án như tân trang lại đường xá, sân bay, bệnh viện và các hạng mục khác; trong khi đó quá trình đẩy nhanh phát triển các lĩnh vực như công nghệ 5G và năng lượng tái tạo sẽ mở ra các cơ hội mới. Do đó, chúng tôi kỳ vọng tài sản được quản lý trong các quỹ cơ sở hạ tầng sẽ tăng gấp đôi đến năm 2025.

Ưu tiên các yếu tố ESG cho tương lai

Các nhà đầu tư đang ngày càng đặt tiêu chí về lợi nhuận tài chính ngang hàng với hồ sơ về môi trường và xã hội của các công ty quản lý tài sản. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các công ty quản lý tài sản sẽ coi các vấn đề liên quan tới ESG là yếu tố gắn liền với chiến lược đầu tư của họ. Sự thay đổi này đã và đang có tác động mang tính cách mạng tới thiết kế sản phẩm, phân bổ quỹ và mục tiêu lợi nhuận.

Phân tích của PwC cho thấy tổng giá trị của các quỹ đầu tư có yếu tố ESG đã vượt qua các quỹ đầu tư truyền thống tới 9% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2019. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các công ty có nhân lực đa dạng, với hơn 30% lãnh đạo là phụ nữ, trung bình sẽ có lợi nhuận cao hơn 15% so với các công ty không đa dạng về nhân lực, và các doanh nghiệp đạt điểm cao về tính bền vững có xu hướng hoạt động tốt hơn.

Việc đưa ra một vài khắc phục nhỏ lẻ về công nghệ hay đồng thuận để thỏa mãn yêu cầu về ESG của các nhà đầu tư sẽ không đủ để vươn lên và phát triển trong ngành quản lý tài sản - nơi mà những doanh nghiệp tiên phong đã và đang đón đầu thay đổi, nắm bắt những cơ hội mà công nghệ và phát triển gắn với yếu tố ESG mang lại.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-quan-ly-tai-san-du-bao-dat-gia-tri-gan-150-nghin-ty-usd-den-nam-2025-post258278.html