Ngành ôtô trong nước: Làm gì để giảm giá bán?

80% linh kiện sản xuất một chiếc ôtô tại Việt Nam phải nhập khẩu (NK), điều này khiến giá xe luôn cao hơn các nước trong khu vực. Để hạ giá xe trong nước, cần tính tới việc giảm phụ thuộc vào nguồn linh, phụ kiện NK.

Áp lực nhập khẩu

Theo Bộ Công Thương, đối với các ngành sản xuất trong nước, điểm yếu lớn nhất là phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; không tự chủ được đầu vào. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp còn thấp, nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phần lớn phải NK từ nước ngoài. Sản xuất trong nước chủ yếu tập trung ở lĩnh vực gia công hạ nguồn, dẫn đến rủi ro "đứt gãy" chuỗi sản xuất càng lớn, nhất là khi nguồn cung NK có biến động.

80% linh liện sản xuất ôtô tại Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô thương mại trong nước hiện cũng chủ yếu nhập linh kiện từ Trung Quốc, trong đó có đến hơn 70% số doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ôtô tải Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ quốc gia này.

Cục Công nghiệp nhìn nhận, việc đa dạng hóa nguồn nguyên, vật liệu NK từ các quốc gia khác trong ngắn hạn để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, bởi rất khó tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn.

Theo đó, để tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu đầu vào của các ngành có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao như điện tử hay ôtô thường mất từ 3 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, các sản phẩm đầu vào NK từ các quốc gia khác cũng thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm từ Trung Quốc, và mẫu mã, chất lượng thường không đa dạng bằng.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) thông tin, linh kiện NK chiếm phần lớn trong mỗi chiếc xe lắp ráp, sản xuất ở Việt Nam, cộng với chi phí khấu hao thiết bị, khuôn dưỡng sản xuất... nên giá xe ở Việt Nam cao hơn 10-20% các nước trong khu vực.

Lý do DN lắp ráp trong nước phải nhập phần lớn linh, phụ kiện vì các nhà cung ứng nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện Việt Nam mới có khoảng 200 DN cung ứng linh, phụ kiện, trong khi con số này tại Thái Lan gấp 10 lần.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 57 sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 và Nghị định 125 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, quy định áp dụng mức thuế suất thuế NK ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành ôtô giai đoạn 2020-2024.

Lực đẩy công nghiệp hỗ trợ

Để tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét, tiến hành các giải pháp dài hạn bằng việc sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Từ đó có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành CNHT.

Cụ thể, sớm xem xét, thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô sản xuất trong nước, nhằm phát triển công nghiệp ôtô cũng như CNHT cho ngành ôtô.

Để làm được điều này, Bộ Công Thương cho rằng, cần thống nhất nguồn lực từ trung ương đến địa phương, tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là CNHT và một số ngành công nghiệp vật liệu quan trọng như: Thép cán nóng, sản xuất vải, dệt nhuộm hoàn tất vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn linh, phụ kiện đầu vào NK.

Bên cạnh đó, tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-oto-trong-nuoc-lam-gi-de-giam-gia-ban-139382.html