Ngành nông nghiệp trước cơ hội từ EVFTA: Sản xuất theo chuỗi giá trị

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2020 được đánh giá không chỉ mở ra cánh cửa lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, mà còn là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam tái cơ cấu.

Lợi ích lớn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Hiệp định EVFTA có vai trò đặc biệt trong việc gia tăng vị thế cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên toàn cầu. Bởi thị trường EU lớn nên các sản phẩm nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu khi hiệp định được áp dụng.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) - chỉ rõ, các mặt hàng chính như thủy sản, rau quả, gỗ… sẽ được giảm thuế về 0%. Trong đó, EU sẽ xóa bỏ ngay 50% số dòng thuế cho thủy sản, 50% số dòng thuế còn lại sẽ có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm; rau quả sẽ có 520/556 dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; cà phê, hạt tiêu có 93% dòng sản phẩm về 0% khi hiệp định có hiệu lực…

Cà phê Việt Nam cần đầu tư chiều sâu để vươn tới các thị trường xa

Cà phê Việt Nam cần đầu tư chiều sâu để vươn tới các thị trường xa

Lợi ích là rất lớn, nhưng ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam - băn khoăn, sẽ rất khó để ngành cà phê được hưởng lợi vì hiện nay chúng ta chủ yếu xuất thô. Trong khi đó chỉ có cà phê hòa tan mới được lợi khi áp thuế suất 0% ở EU và ngành cà phê Việt mới chỉ có 10% là chế biến sâu.

Thậm chí với ngành gạo, EU chỉ mở hạn ngạch cấp quota 80.000 tấn/năm và để xuất khẩu được thì ngành gạo cũng phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn vô cùng khắt khe của thị trường này. Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, thị trường EU đòi hỏi gạo chất lượng cao, gạo sạch, đồng thời thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch được cấp phép rất cao. Ông Bình dẫn chứng, gạo Việt vào EU hiện chịu mức thuế 5 - 45% (có một số nước trong khối đánh thuế đến 100%). Vì thế, tới đây, khi thuế suất bằng 0%, Việt Nam cần tận dụng tốt và xuất khẩu hết hạn ngạch 80.000 tấn mà EU đã cấp.

Nhưng đừng để lỡ cơ hội

Để tận dụng Hiệp định EVFTA, khai thác thị trường rộng lớn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cùng với sự vào cuộc từ Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN nắm bắt thông tin, lợi thế để thực hiện chiến lược hoạt động thì bản thân DN cũng phải vào cuộc. Lý do, cắt giảm thuế quan là điều kiện cần nhưng vấn đề còn lại là câu chuyện của doanh nghiệp, thị trường.

Kinh nghiệm điều hành một DN xuất khẩu “tỷ đô” nhiều năm nay, ông Đỗ Hà Nam khẳng định, EVFTA bắt buộc DN ngành cà phê phải đầu tư chiều sâu, chế biến cà phê hòa tan. Từ đó mới đáp ứng đúng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và hưởng lợi khi thuế suất giảm về 0%.

Tương tự với ngành hàng rau, củ, quả, rất nhiều DN lớn như Lavifood, Vinamit… đã mạnh tay đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn để có sản phẩm chất lượng cho xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)- cho biết, Bộ đã định hướng phát triển và quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong sản xuất. Quản lý chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững. Xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng hài hòa hóa quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và thiết lập hệ thống các cơ sở khách hàng để xây dựng và phản biện các biện pháp các nước áp dụng.

Bộ NN&PTNT đã và đang tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-nong-nghiep-truoc-co-hoi-tu-evfta-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-124384.html