Ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Là đơn vị quản lý đa lĩnh vực, hàng năm số dự án, công trình được triển khai thực hiện khá nhiều, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực được giao, hoàn thành tốt nhiệm vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Từ đầu năm đến nay, sở đã ban hành 6 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN); tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các phòng, đơn vị trực thuộc, gắn với cải cách thủ tục hành chính. Công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Sở đã triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, chuyển đổi cán bộ, công chức thuộc diện phải chuyển đổi vị trí công tác; minh bạch tài sản, thu nhập; tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, khoán định mức; thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, phương tiện Nhà nước.

Thời gian qua, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở đã quán triệt, triển khai nghiêm túc chủ trương 4 “tăng”, 2 “giảm”, 3 “không”, gồm: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân; giảm thời gian và giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính; không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định giải quyết công việc và không trễ hẹn. Trang website của sở đã đăng tải kịp thời các quy định, hướng dẫn hoạt động trong từng lĩnh vực, các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, cán bộ, công chức, người lao động và người dân theo dõi, giám sát.

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên. Hiện nay thanh tra sở thực hiện tiếp công dân tất cả các ngày làm việc, tại phòng tiếp công dân của sở; đối với lãnh đạo sở thực hiện tiếp công dân mỗi tháng một lần. Quý 1–2019, sở tiếp nhận 5 đơn kiến nghị, phản ánh (trong đó đơn không đủ điều kiện xử lý là 1 đơn; đơn đủ điều kiện xử lý là 4 đơn), không có đơn tố cáo. Các đơn phản ánh, kiến nghị của công dân đều được xem xét, xử lý kịp thời đúng quy định.

Bên cạnh đó, sở đã tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Để PCTN trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, sở đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các nghị định của Chính phủ...; đồng thời thực hiện công khai kế hoạch triển khai các dự án, danh mục dự án, quá trình thực hiện dự án và kết quả thực hiện dự án thông qua nhiều hình thức, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định, như: Đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu trên mạng đấu thầu quốc gia; phối hợp với UBND các huyện và UBND các xã nơi có dự án thông báo, công khai đến người dân các giai đoạn của dự án như kế hoạch, danh mục đầu tư, quá trình thực hiện và kết quả thực hiện. Cung cấp các thông tin của dự án đến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đăng tải trên website của sở.

Năm 2018, qua tiến hành thanh tra thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc tại tỉnh Thanh Hóa, làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội đã chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót về lĩnh vực giảm nghèo như việc tham mưu hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ Phát triển sản xuất (PTSX) Chương trình 135 hằng năm còn chậm, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án hỗ trợ PTSX ở cơ sở; thực hiện việc tập huấn còn hạn chế. Để khắc phục, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện việc phân bổ vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ PTSX, đa dạng hóa sinh kế thuộc nguồn vốn chương trình để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2019. Đồng thời, ngay từ đầu năm, sở đã tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án này tại các địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. 3 tháng đầu năm 2019, sở đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Mường Lát.

Theo kế hoạch, năm 2019, sở sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao và trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN tại 5 đơn vị trực thuộc (gồm ban quản lý rừng phòng hộ: Sông Chu, Sông Lò, Lang Chánh; Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn; Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới). Để thực hiện hiệu quả công tác PCTN, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định quản lý, điều hành nội bộ, các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định. Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường tự kiểm tra nội bộ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.

Đức Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-ninh-trat-tu/nganh-nong-nghiep-trien-khai-cac-giai-phap-phong-ngua-tham-nhung/100010.htm