Ngành Nông nghiệp Thủ đô: Hai mũi nhọn tạo đột phá mới

Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chọn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm những mũi nhọn tạo đột phá cho giai đoạn phát triển mới. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ xung quanh vấn đề này.

Trồng rau, quả ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

- Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Nhìn chung trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Cơ cấu ngành Nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt. Trong trồng trọt, thành phố đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng lúa, hoa, cây ăn quả, rau an toàn... Trong chăn nuôi, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn đứng tốp đầu cả nước. Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp của Thủ đô ước đạt 280 triệu đồng/ha canh tác.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Các cơ sở, trang trại, gia trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn ít, trong khi bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Trong khi đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Thu nhập của người lao động nông nghiệp vẫn còn thấp hơn nhiều so với lao động ở các ngành kinh tế khác...

- Theo ông, bước sang giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ chọn mũi nhọn nào làm khâu đột phá để phát huy thành tựu đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn như đã nêu trên?

- Để phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời khai thác hiệu quả các lợi thế riêng có của Hà Nội, trong giai đoạn 2020-2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 2,7% đến 3%/năm... Thành phố sẽ chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ có công nghệ cao hỗ trợ trong khâu tạo giống, làm đất, bón phân, bảo vệ thực vật... để cho năng suất, chất lượng tốt nhất.

- Vậy đâu là cơ sở để thành phố chọn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là mũi nhọn, thưa ông?

- Do đặc thù diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn manh mún - dù đã dồn điền đổi thửa nhưng mỗi hộ cũng chỉ có 2-3 sào ruộng nên chỉ có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mới tạo được bước chuyển mới về năng suất và chất lượng nông sản. Thực tế cho thấy, Hà Nội khó có thể hình thành những mô hình ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn như các tỉnh, nhưng với quy mô 1 đến 2ha, nếu ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn sẽ mang đến hiệu quả không nhỏ.

Mặt khác với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Hà Nội có thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 8 triệu dân và hàng triệu khách du lịch mỗi năm... Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ nên đây là thị trường rất tiềm năng để nông dân Hà Nội hướng tới.

- Ông có thể cho biết những giải pháp nông nghiệp Thủ đô tập trung triển khai trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra?

- Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ... Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tập trung vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thành phố và làm trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương khác...

Ngoài ra, Hà Nội cũng tập trung đầu tư các công trình đê điều, thủy lợi quan trọng như: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc; cải tạo, nâng cấp Trạm bơm tưới Phù Sa; dự án cải tạo, khôi phục sông Tích... để bảo đảm tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/983866/nganh-nong-nghiep-thu-do-hai-mui-nhon-tao-dot-pha-moi