Ngành Nông nghiệp Thủ đô: Chủ động trước rét đậm, rét hại

Vụ đông xuân luôn được đánh giá là vụ 'ăn chắc'. Tuy nhiên, trước nguy cơ rét đậm, rét hại có khả năng gây thiệt hại cho lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động lên phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi cũng như kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2020-2021.

Người trồng rau ở xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) đã xây dựng nhà màng để chống rét cho hoa màu. Ảnh: Nguyễn Quang

Nỗi lo rét đậm, rét hại

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm thông tin, mùa đông năm 2020-2021, nhiệt độ trung bình tại các tỉnh miền Bắc có khả năng xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Miền Bắc sẽ trải qua mùa đông lạnh hơn so với năm 2019. Từ cuối tháng 12-2020 đến tháng 2-2021, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ xảy ra nhiều đợt rét đậm (nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 15 độ C), rét hại (dưới 13 độ C)...

Tại Hà Nội, khu vực miền núi Ba Vì, Thạch Thất... nhiệt độ thường thấp hơn các khu vực khác khi xảy ra rét đậm, rét hại, ảnh hưởng không nhỏ đến đàn vật nuôi và cây trồng. Trong đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra, trang trại của bà Nguyễn Thị Lan (xã Ba Trại, huyện Ba Vì) có khoảng 100 con lợn, 500 con gà, 10 con trâu bò... Dù chuồng trại đã được xây dựng khép kín, nhưng bà Lan vẫn lo lắng khi nhiệt độ giảm sâu, đàn vật nuôi dễ xảy ra dịch bệnh. "Đợt rét này gia đình tôi phải chủ động che chắn, dự trữ đầy đủ thức ăn, đồng thời tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi", bà Nguyễn Thị Lan nói.

Lĩnh vực thủy sản, trồng rau màu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ nếu nhiệt độ giảm sâu. Ông Đặng Văn Hộp (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) chia sẻ: "Nhiệt độ giảm sâu sẽ khiến đàn cá chậm phát triển. Trước nguy cơ này, gia đình tôi đã chuẩn bị phương án huy động tối đa máy bơm nước để tăng diện tích mặt nước, giúp cá tránh rét...". Còn ông Ngô Văn Hùng ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) nói: "Rét đậm, rét hại sẽ khiến việc sản xuất, thu hoạch gặp nhiều khó khăn". Nhiều nông dân trồng rau tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm... cũng cho biết như vậy.

"Nỗi lo lớn nhất trong sản xuất vụ đông xuân là nhiệt độ giảm sâu. Rét đậm, rét hại làm cho cây trồng bị chết hoặc héo vàng, gây thiệt hại kinh tế cho nông hộ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhìn nhận.

Khu chăn nuôi gà của một hộ gia đình tại xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) được che chắn phòng, chống rét. Ảnh: Đỗ Tâm

Chủ động giải pháp phòng tránh

Trên cơ sở các thông tin về mùa đông năm 2020-2021, các cấp, ngành chức năng và địa phương ở Hà Nội đã chủ động nhiều biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng và đàn vật nuôi. Với đàn vật nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Kinh nghiệm nhiều năm chống rét của Hà Nội cho thấy, nông dân đã rất chủ động không chăn thả gia súc, gia cầm ở ngoài trời; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi và bổ sung thức ăn tinh (bột ngô, sắn hoặc cám gạo), muối khoáng, men tiêu hóa... Dù vậy, các cơ quan, đơn vị chức năng cũng không thể chủ quan, phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các giải pháp chống rét.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại (huyện Ba Vì) Hoàng Văn Chuyển thông tin: Những năm gần đây, trên địa bàn xã không có hiện tượng trâu, bò bị chết rét trong mùa đông. Tuy nhiên, xã vẫn cử cán bộ thú y trực tiếp xuống thôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con phương pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, không tạo tâm lý chủ quan. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, huyện đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn và chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản, đặc biệt tại các khu vực nuôi trồng thủy sản.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, huyện đã tuyên truyền đến nông dân, hợp tác xã tập trung gieo cấy trà xuân muộn với trên 80% diện tích và không gieo mạ hoặc cấy vào những ngày rét đậm, rét hại. Trong khi đó, bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cho biết: Đơn vị đã lựa chọn bộ giống rau nhập khẩu chất lượng cao, có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi và triển khai các biện pháp canh tác trong nhà màng, nhà lưới để chống rét.

Vụ đông xuân 2020-2021, ngành Nông nghiệp Thủ đô phấn đấu gieo trồng 105.327,9ha cây trồng các loại, trong đó, diện tích lúa là 84.698,9ha, còn lại là rau màu và các loại cây trồng khác. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Để chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại, Sở đã hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ, chăm sóc mạ và lúa vụ xuân 2021; đồng thời có phương án chuẩn bị nguồn giống lúa dự phòng để gieo mạ hoặc gieo thẳng, gieo sạ kịp thời nếu rét kéo dài gây thiếu mạ. Thành phố cũng đã sớm có kế hoạch ứng phó với việc phải chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn để có sự chỉ đạo đồng bộ về vùng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng. Ngoài ra, cơ quan khuyến nông tiếp tục tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi...

Tin rằng, với sự chủ động vào cuộc của ngành Nông nghiệp và các địa phương trong ứng phó rét đậm, rét hại, Hà Nội sẽ có vụ đông xuân thắng lợi cả về diện tích và sản lượng; đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bạch Thanh - Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/986408/nganh-nong-nghiep-thu-do-chu-dong-truoc-ret-dam-ret-hai