Ngành nông nghiệp ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ cho dịp Tết

Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022, cho thấy các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã có những nỗ lực ổn định sản xuất, tiêu thụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chuẩn bị các mặt hàng nông sản cho tiêu thụ tết.

Chuẩn bị các mặt hàng nông sản cho tiêu thụ tết.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến trung tuần tháng 11, cả nước thu hoạch được 1.326 nghìn ha lúa mùa, chiếm 85,4% diện tích gieo cấy và bằng 101,2% cùng kỳ năm trước.

Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2022 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 648,7 nghìn ha, giảm 70,6 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước. Tính đến 15/11, toàn vùng đã thu hoạch được 323 nghìn ha lúa thu đông, chiếm 49,8% diện tích gieo cấy và bằng 99,8% so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 56 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt đạt 3,63 triệu tấn, giảm 390 nghìn tấn.

Bên cạnh cây lúa, tính đến trung tuần tháng 11 năm 2022, cả nước gieo trồng được 82,7 nghìn ha ngô, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm trước; 17,7 nghìn ha khoai lang, bằng 97,3%; 4,8 nghìn ha lạc, bằng 104,7%; 3,6 nghìn ha đậu tương, bằng 109,5%; 152,9 nghìn ha rau các loại, bằng 110,2%.

Trong tháng 11, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022 tăng 12,4% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số bò tăng 3,5%; tổng số trâu giảm 1,2%; tổng số gia cầm tăng 5,4%.

Theo GSO, hiện tại đang là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm để cung ứng ra thị trường vào dịp lễ, tết cuối năm và đầu năm mới. Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ gia súc, gia cầm trong nước, cần thực hiện các biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Lâm nghiệp là lĩnh vực có nhiều điểm sáng tích cực trong hoạt động khai thác gỗ. Tính chung 11 tháng năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 260,6 nghìn ha, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với cùng kỳ: Tuyên Quang đạt 132,8 nghìn m3, tăng 71,7%; Thanh Hóa đạt 70,9 nghìn m3, tăng 17,2%; Nghệ An đạt 179,5 nghìn m3, tăng 12%; Quảng Ngãi đạt 276,6 m3, tăng 11,3%.

Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 96,5 triệu cây, tăng 5,3%; sản lượng củi khai thác đạt 17 triệu ste, tăng 1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 17,6 triệu m3, tăng 6,6%.

Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.047,6 ha, giảm 58,4%. Trong khi đó, diện tích rừng bị cháy là 37,9 ha, giảm 97,5%; diện tích rừng bị chặt, phá là 1.009,7 ha, giảm 1,6%.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng về diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch các sản phẩm thủy sản trọng điểm, để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước vào dịp cuối năm.

Sản lượng thủy sản 11 tháng năm 2022 ước đạt 8.253 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4.682 nghìn tấn, tăng vọt 7,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.570 nghìn tấn, vẫn tiếp đà giảm 2,1%.

Tính riêng sản lượng thu hoạch của cá tra trong tháng tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước do sản phẩm cá tra có giá cả hợp lý phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trên thế giới trong bối cảnh lạm phát tăng cao, cùng với đó giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức cao. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 167,8 nghìn tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, việc áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh giúp tăng sản lượng. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng ước đạt 70,5 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 23,2 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nganh-nong-nghiep-on-dinh-thi-truong-san-xuat-va-tieu-thu-cho-dip-tet-post14869.html