Ngành Nông nghiệp nỗ lực thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tập trung xây dựng các kế hoạch và triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nỗ lực vượt khó

Năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh gặp nhiều khó khăn. Giá cả vật tư nông nghiệp, xăng, dầu tăng cao làm chi phí sản xuất tăng, dẫn đến lợi nhuận của nông dân thấp. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra nông sản không ổn định, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, nhất là thanh long, diện tích trồng ngày càng thu hẹp, nông dân ít đầu tư, chăm sóc, sản lượng thanh long đến cuối tháng 12/2022 giảm hơn 21% so cùng kỳ.

Tỉnh tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị cho nông sản

Tỉnh tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị cho nông sản

Theo dự báo, năm 2023, sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn bởi thời tiết diễn biến thất thường; tình hình tiêu thụ nông sản không ổn định; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát,... Đồng thời, chi phí sản xuất tăng cao do chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa kết nối lại hoàn toàn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình biến động chính trị trên thế giới. Trước những khó khăn trên, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan và cơ quan trực thuộc để tìm giải pháp khắc phục, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.

Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 1,5%; sản lượng lúa đạt 2,7 triệu tấn, trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 65% tổng sản lượng; có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 2 xã NTM kiểu mẫu; có thêm 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật hiện hành trên 60%; trồng 500ha rừng sản xuất sau khai thác và trồng 1.546.000 cây phân tán các loại.

Vụ Đông Xuân (ĐX) 2022-2023 là vụ lúa chính trong năm, đóng góp trên 70% sản lượng lúa cả năm. Do đó, để đạt 2,7 triệu tấn lúa trong năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm, lên kế hoạch cho vụ ĐX từ sớm, bảo đảm vừa “né” hạn, xâm nhập mặn ở các huyện phía Nam, vừa duy trì sản lượng lúa chất lượng cao tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 224.740ha lúa ĐX, đạt 102% kế hoạch, bằng 100,33% so cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch 54.380ha, năng suất đạt 62,6 tạ/ha, sản lượng 340.500 tấn.

Nông dân huyện Cần Giuộc trồng rau thủy canh trong nhà màng

Tại Vĩnh Hưng, toàn huyện gieo sạ trên 28.580ha lúa ĐX 2022-2023. Các loại giống lúa được nông dân sử dụng chủ yếu là: OM4900, OM7347, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18,... Hiện nông dân đã thu hoạch gần 340ha, năng suất đạt 55 tạ/ha, giá bán 7.300 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận cao hơn so với năm trước từ 4-6 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, các trà lúa từ giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ đang xuất hiện nhiều đối tượng gây hại. Trong đó, đáng lo nhất là sâu năn (muỗi hành) với khoảng 170ha lúa có mật độ nhiễm từ 25-30% và 230ha có mật độ nhiễm từ 10-20%.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: “Vụ ĐX 2022-2023, huyện có 6 doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân, với tổng diện tích trên 4.587ha. Ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn nông dân chủ động phòng ngừa, ứng phó với các loại dịch hại trên cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là sâu năn trên lúa”.

Còn tại huyện Tân Hưng, vụ ĐX 2022-2023, nông dân gieo sạ gần 36.700ha lúa. Hiện những diện tích xuống giống sớm nông dân đã thu hoạch, hầu hết đều đạt năng suất từ 6-7 tấn/ha, giá bán cũng khá cao nên nông dân rất phấn khởi. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, năm nay, mặc dù giá vật tư nông nghiệp tăng nhưng nhờ tình hình thời tiết khá thuận lợi, sâu, bệnh xuất hiện không đáng kể nên chi phí sản xuất của nông dân thấp hơn những vụ trước và năng suất đạt cao hơn nên nông dân có lợi nhuận khá.

Ông Nguyễn Văn Bé Em (ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi) cho biết, những vụ mùa gần đây, do giá lúa thấp, sâu, bệnh gây hại nhiều làm giảm năng suất nên lợi nhuận không cao. Tuy nhiên, vụ ĐX 2022-2023 khởi sắc trở lại khi giá lúa tăng hơn vụ ĐX trước khoảng 1.000 đồng/kg. Năng suất lúa của ông đạt khoảng 7 tấn/ha, cao hơn năm trước gần 1 tấn/ha với giá bán 6.500 đồng/kg (giống OM18). Sau khi trừ chi phí, ông có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh theo hướng xanh và bền vững; đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, tập trung triển khai, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng tới hình thành chuỗi cung ứng và nâng cấp chuỗi giá trị các ngành hàng; sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là giải pháp cải thiện đầu ra cho trái thanh long

Bên cạnh đó, ngành tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 6 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao (lúa, rau, thanh long, chanh, tôm nước lợ và bò thịt) nhằm tạo bước đột phá phát triển của tỉnh đến năm 2025; đẩy mạnh cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ðẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu năm 2023 có thêm 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần, năm 2023, Chi cục tiếp tục phối hợp các địa phương, xây dựng kế hoạch, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản đồng bộ, đa mục tiêu. Trong đó, ưu tiên phân bổ vốn xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng chuyên canh, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tiếp tục nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư và các công trình nâng cao khả năng phòng tránh, hạn chế bất lợi do thiên tai, ứng phó sự biến động của khí hậu đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trên con bò

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Năm 2023, ngành tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước vùng hạ, phấn đấu hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật hiện hành là 60%. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp; áp dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung được triển khai; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bưu chính công ích theo quy định chung của Chính phủ và UBND tỉnh;...

“Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, ngành đã tập trung phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và thực hiện ngay từ đầu năm với quyết tâm cao nhất. Theo đó, ngành tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tập trung chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các cây trồng khác; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tăng năng suất, chất lượng nông sản; hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Để hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá” cũng như tác động của thị trường, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để bắt kịp xu hướng của thời đại 4.0” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nganh-nong-nghiep-no-luc-thuc-hien-nhiem-vu-tu-dau-nam-a149029.html