Ngành nông nghiệp Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại dài hơi

Các lãnh đạo của ngành nông nghiệp Mỹ đang sẵn sàng tâm lý ứng phó với cuộc đấu thương mại dài hơi với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cân nhắc chi thêm tiền trợ cấp cho nông dân, theo tờ The Wall Street Journal.

Ken Sullivan (trái), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn thực phẩm Smithfield Foods, nhà chế biến thịt heo lớn nhất Mỹ, cho rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là điều cần thiết. Ảnh: WSJ

Chiến tranh thương mại là cần thiết

Các cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Mexico, Canada và các nước khác do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đang làm thay đổi các dòng chảy của nhiều loại thực phẩm trên toàn cầu như đậu nành, thịt heo... Các biện pháp áp thuế trả đũa từ bên ngoài cũng đang làm hao hụt lợi nhuận của các tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới cũng như các nông dân ở Mỹ.

Phát biểu tại Diễn đàn Thực phẩm toàn cầu do The Wall Street Journal tổ chức ở thành phố New York hôm 27-9, Ken Sullivan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn thực phẩm Smithfield Foods, nhà chế biến thịt heo lớn nhất Mỹ, cho rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là điều cần thiết để thúc ép nước này mở rộng sự tiếp cận thị trường dành cho các sản phẩm thịt heo Mỹ.

Ông nói rằng Trung Quốc vẫn duy trì thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm thịt heo Mỹ trong nhiều năm qua, gây cản trở cho sự tiếp cận thị trường của các công ty chế biến thịt heo Mỹ ở thị trường thịt heo lớn nhất thế giới. Ông lưu ý dù cuộc chiến thương mại là cần thiết nhưng giải pháp sẽ không xuất hiện nhanh chóng như mọi người mong muốn. Ông nói: “Trung Quốc dường như vẫn khá cứng rắn vào thời điểm này”.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nói ông hiểu những lo ngại của nông dân Mỹ về sức ép của các đòn thuế trả đũa từ Trung Quốc, Mexico và một số nước khác đối với giá cả hàng nông nghiệp Mỹ. Tuy vậy, ông vẫn cho rằng các chiến thuật thương mại cứng rắn của chính quyền Donald Trump rốt cục sẽ giúp các lợi ích kinh tế và tài sản trí tuệ của Mỹ được bảo vệ tốt hơn ở nước ngoài. Ông khẳng định Tổng thống Donald Trump sẽ không sợ hãi trước những mối đe dọa mà các đòn thuế của Trung Quốc nhằm vào đời sống của nông dân Mỹ. Ông nói: “Trung Quốc đã không công bằng về thương mại trong một thời gian dài”.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đang giải ngân khoản tiền trợ cấp gần 5 tỉ đô la Mỹ cho các nông dân trồng đậu nành, nuôi heo và sản xuất các nông sản khác đang dính các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc. Các nông dân Mỹ nhận được phần lớn số tiền này, khoảng 3,6 tỉ đô la.

Các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc và Mexico, sẽ khiến các nhà sản xuất thịt heo Mỹ thiệt hại hơn 2 tỉ đô la trong năm nay, theo ước tính của giáo sư kinh tế Dermot Hayes của Đại học bang Iowa. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo doanh thu của ngành nông nghiệp Mỹ sẽ giảm 13% trong năm 2018, xuống mức 66 tỉ đô la.

Dòng chảy đậu nành bị xáo trộn

Giá đậu nành Mỹ đã giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2008 do các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Soren Schroder, Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp Bunge Ltd, nói các nông dân Mỹ sẽ còn cảm nhận các tác động dai dẳng khi các xáo trộn trong các dòng chảy thương mại tiếp tục. Ông cho biết các dòng chảy thương mại toàn cầu đang thay đổi một cách bất thường.

Các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào đậu nành Mỹ đã khiến các chuyến hàng xuất khẩu đậu nành Mỹ, vốn trước đây thường hướng đến Trung Quốc thì nay chuyển sang các nước như Argentina và Brazil. Trong khi đó, nông dân ở hai nước này đang bán đậu nành sang Trung Quốc.

“Dĩ nhiên, đây là một thế giới thương mại đảo lộn. Tôi không nghĩ chúng ta cải thiện được tình hình này trừ phi chúng ta tìm được một giải pháp tương đối nhanh chóng”, Schroder nói. Schroder cho rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ giúp Brazil tăng tốc mở rộng sản lượng đậu nành, gây khó khăn cho các nông dân Mỹ nếu họ muốn giành lại thị phần đậu nành trên toàn cầu.

Hiệp hội Đậu nành Mỹ (ASA) ước tính giá đậu nành Mỹ đã giảm 20% kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu leo thang hồi tháng 6.

Darci Vetter, Giám đốc công ty tư vấn tiếp thị và quan hệ công chúng Edelman, người từng là trưởng đoàn đàm phán trong lĩnh vực nông nghiệp của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, nói: “Tôi không nghĩ các đòn thuế của Mỹ là tạm thời. Mỹ có những phương án khác để tiêu thụ nguồn cung đậu nành cũng như sự quyết tâm chính trị để chịu đựng một số tổn thất”.

Vetter cho rằng rốt cục các hàng hóa nông nghiệp Mỹ chẳng hạn đậu nành sẽ tìm được khách hàng mới nhưng các nhà sản xuất rau quả, trái cây và những mặt hàng dễ hư thối khác ở Mỹ sẽ có ít sự lựa chọn khách hàng để thay thế hơn vì họ không thể trữ hàng trong thời gian dài để đợi giá bán tăng trở lại. “Nếu bạn không thể bán cherry, chúng rồi sẽ hư thối”, Vetter nói.

Nông dân nuôi bò sữa chịu sức ép lớn

Các đòn thuế trả đũa của Mexico đang tác động đến 578 triệu đô la hàng bơ sữa của Mỹ mỗi năm. Trong khi đó, các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến 408 triệu đô la pho mát, đạm whey và các sản phẩm sữa khác mỗi năm, theo Phòng Thương mại Mỹ. Công ty tư vấn kinh doanh hàng hóa nông nghiệp Informa Economics nhận định, các nông dân nuôi bò sữa Mỹ sẽ chứng kiến thu nhập của họ bị sụt giảm 1,5 tỉ đô la trong năm nay.

“Nhiều nông dân không có khả năng chịu đựng sức ép thuế đó sau nhiều năm ngành sữa rơi vào chu kỳ suy thoái”, Beth Ford, Giám đốc điều hành hợp tác xã nông nghiệp Land O’Lakes, nhà sản xuất sản phẩm bơ sữa lớn thứ ba nước Mỹ, nói tại Diễn đàn thực phẩm toàn cầu. Bà khẳng định các nông dân nuôi bò sữa vẫn ủng hộ nỗ lực thúc ép Canada mở cửa thị trường cho các sản phẩm sữa Mỹ. Tuy nhiên, bà kêu gọi chính phủ hành động nhanh chóng vì giá sữa thấp đang gây tổn thương cho các nông dân. Ford cho biết chỉ trong tháng 8, 43 nông dân nuôi bò sữa ở bang Wisconsin đã rơi vào tình cảnh phá sản.

Bà cho rằng các khoản trợ cấp của chính phủ không đủ để bù đắp thiệt hại cho các nông dân Mỹ. Bà nói: “Nông dân trồng đậu nành nhận được hơn 3 tỉ đô la trợ cấp nhưng khoản tiền này không bù đắp đủ cho mức thiệt hại 6-7 tỉ đô la của họ”. Bà cũng phàn nàn nông dân nuôi bò sữa nhận được trợ cấp quá ít, chỉ 127 triệu đô la, trong khi, thiệt hại do chiến tranh thương mại của họ lên đến 2 tỉ đô la.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279436/nganh-nong-nghiep-my-san-sang-cho-cuoc-chien-thuong-mai-dai-hoi.html