Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Đẩy mạnh tăng trưởng xanh

Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành Công văn số 2515/SNN-KHTC, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời từng bước thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Rau quả Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Nhiều mô hình điểm

Xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) có gần 50ha sản xuất lúa hữu cơ, và là vùng lúa đầu tiên của Hà Nội được tiến hành các thủ tục chứng nhận, kiểm dịch để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ. Bà Dương Thị Lành ở thôn Thượng Phúc (xã Đồng Phú) cho biết: "Nhờ không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... nên nông sản của thôn bán được giá, chất lượng đời sống người dân cũng được nâng lên". Tương tự, đến nay, xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) có hơn 400ha trồng lúa, canh tác theo phương thức mới, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ...

Hiện trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên... xuất hiện ngày càng nhiều mô hình canh tác sử dụng ít hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phong trào sản xuất sạch, phát triển kinh tế xanh đã và đang được triển khai rộng rãi ở các địa phương. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: “Trung tâm đã triển khai mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức... với quy mô 250ha, mỗi vụ xử lý được khoảng 1.500 tấn rơm rạ, tạo ra nguồn phân bón tại chỗ, thay thế cho phân hóa học”.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, những năm gần đây, công nghệ khí sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi. Đến nay, Hà Nội đã có 75% số trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt và 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư sử dụng hầm biogas. Cùng với đó là hơn 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các giải pháp gắn sản xuất với tăng trưởng xanh, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp mà còn xây dựng được nhiều mô hình sản xuất như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP)... mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường vẫn còn ít so với quy mô của ngành.

Giải pháp tăng trưởng xanh

Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tăng trưởng xanh trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, không chỉ đòi hỏi về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, việc sản xuất an toàn, hạn chế, tiến tới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… cũng là một khó khăn với nhiều nông dân khi đã quá quen với phương thức canh tác cũ.

Theo Tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn, Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) để tháo gỡ những rào cản nêu trên, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp; trong đó, cần có những chính sách về khoa học công nghệ, thị trường... phù hợp. Và, vấn đề cốt yếu là thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hà Văn Thắng cho biết: Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cũng như phương thức cho vay, thu nợ phù hợp với đặc điểm của từng mô hình sản xuất.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở đã ban hành Công văn số 2515/SNN-KHTC, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận dụng cơ chế hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, Sở giao Trung tâm Khuyến nông tập trung giải ngân nguồn vốn Quỹ Khuyến nông cho các mô hình sản xuất sạch; phối hợp các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn cho việc đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường và chủ trì việc nghiên cứu xây dựng, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả phế thải nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Cùng với đó, thông qua mạng lưới khuyến nông, sẽ thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất xanh...

"Triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu, sẽ giảm 1,76 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và 4,88 triệu tấn CO2 vào năm 2030 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp...", ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/977662/nganh-nong-nghiep-ha-noi-day-manh-tang-truong-xanh