Ngành Nông nghiệp: Giảm thiểu tác động xấu từ thời tiết cực đoan

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa đông năm nay ở khu vực Đông Bắc Bộ, trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện muộn hơn nhưng tần suất nhiều và có thể kéo dài hơn so với mọi năm. Trước những nguy cơ thời tiết cực đoan, khả năng rét đậm, rét hại, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với đàn gia súc, gia cầm, thời gian này công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi đang được ngành Nông nghiệp chú trọng.

Người chăn nuôi thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, chủ động các biện pháp chăm sóc đàn bò trong mùa đông.

Người chăn nuôi thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, chủ động các biện pháp chăm sóc đàn bò trong mùa đông.

Tại xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, trong năm 2020 xã tận dụng các nguồn chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đầu tư cho các hộ dân thực hiện dự án nuôi bò giống mới theo hình thức chăm sóc trong chuồng trại. Theo đó, một số hộ thí điểm nuôi giống bò 3B được hỗ trợ xây dựng chuồng trại nuôi nhốt ra khu vực cách xa khu dân cư. Qua đó, đảm bảo các điều kiện chuồng trại kiên cố, chống dịch bệnh và đặc biệt là chống rét tốt cho đàn gia súc của bà con.

Anh Vi Đức Hòa, hộ chăn nuôi tại thôn Chè Phạ, cho biết: Hiện đàn bò của gia đình tôi đã thực hiện việc nuôi và chăm sóc trong chuồng trại kiên cố, không còn nuôi thả tự nhiên như trước kia. Với cách chăn nuôi này, chúng tôi có thể yên tâm vì đàn gia súc được nuôi nhốt đảm bảo chống rét trong mùa đông cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với xã Đồng Tâm, thời gian qua huyện Bình Liêu đã khẩn trương rà soát các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê trên địa bàn và tổng hợp số hộ chăn nuôi có chuồng kiên cố, chuồng tạm, chưa có chuồng. Đối với các hộ chưa có chuồng nuôi, huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân làm chuồng trại và mua bạt che chắn, giữ ấm cho gia súc. Đồng thời vận động người dân thực hiện tốt việc dự trữ thức ăn tinh; khi nhiệt độ xuống thấp tuyên truyền bà con tiến hành nuôi nhốt trâu, bò. Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã thường xuyên cử cán bộ khuyến nông, thú y đi kiểm tra, đôn đốc việc dọn vệ sinh chuồng trại, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến thời điểm này các địa phương trong toàn tỉnh có đàn bò trên 36.000 con, tăng 5,34% so với cùng kỳ năm 2019; đàn gia cầm trên 3,892 triệu con, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019; đàn lợn 280.000 con, tăng gần 2% cùng kỳ... Để duy trì và phát triển đàn gia súc, ngoài việc tổ chức tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, ngành Nông nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực vận động người nuôi thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Trước khi bước vào chăn nuôi vụ đông Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, tập trung vào các biện pháp cải tạo, che chắn chuồng trại để đảm bảo kín gió, tránh mưa tạt, giữ nền chuồng luôn khô ráo sạch sẽ; sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò già, yếu; gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để phòng chống rét và dịch bệnh...

Để chủ động trong việc đảm bảo chăn nuôi mùa đông, Sở NN&PTNT khuyến cáo bà con, nhất là khu vực miền núi cao tại các địa phương: Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu,… thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, khi có rét đậm, rét hại không thả rông trâu, bò trong rừng, núi; chủ động đưa trâu, bò về nuôi nhốt trong chuồng kín gió; nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa để giữ ấm cho trâu, bò. Chủ động dự trữ thức ăn cho trâu, bò bằng hình thức ủ chua thức ăn xanh như ủ chua cỏ voi, dây lang, bã dứa, thân cây ngô,..; dự trữ cỏ khô, rơm khô; trồng các loại cỏ bổ sung đảm bảo nguồn thức ăn ổn định. Đặc biệt chú ý, những ngày rét đậm rét hại tăng từ 5-10% khẩu phần ăn so với ngày thường để vật nuôi có đủ năng lượng chống rét. Đồng thời, cho vật nuôi uống nước ấm có bổ sung thêm vitamin, điện giải, đường glucose, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi

Bên cạnh đó, đảm bảo việc thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định, như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Đối với các loại vật nuôi khác, như gà, lợn, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202012/nganh-nong-nghiep-giam-thieu-tac-dong-xau-tu-thoi-tiet-cuc-doan-2512971/