Ngành ngoại giao góp phần thể hiện tinh thần, bản lĩnh Việt Nam

Trong năm 2019, ngành ngoại giao Việt Nam đã có nhiều hoạt động nổi bật, đáng chú ý như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, nhận được sự tín nhiệm cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…

Bảo đảm sự ổn định

Năm 2019, năm cuối cùng trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 khép lại đã cho chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2019 có nhiều gam màu xám hơn so với năm 2018. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Sự đấu tranh giữa xu thế toàn cầu hóa và liên kết kinh tế với trào lưu bảo hộ thương mại, chống hội nhập diễn ra gay gắt. Cọ xát chiến lược giữa các nước lớn rất quyết liệt, dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp cả về kinh tế, thương mại và chính trị, an ninh. Đặc biệt, tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp mới do những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế gây xói mòn lòng tin. Bất ổn bùng phát và kéo dài ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới do bất cập kinh tế - xã hội nội tại cũng như sự can thiệp, kích động từ bên ngoài.

Giữa những bất ổn đó, điểm tích cực là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn và khát vọng chung của nhân loại tiến bộ. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động và đi đầu về liên kết kinh tế. Dẫu còn không ít khó khăn, thách thức, song Cộng đồng ASEAN với tư cách là mái nhà chung của 10 nước thành viên đã thể hiện sự tự cường, trưởng thành hơn và tiếp tục phát huy được vai trò trung tâm và vị trí quan trọng trong chính sách của các nước lớn đối với khu vực. Tình hình chính trị - xã hội các nước Đông Nam Á cơ bản ổn định, kinh tế tăng trưởng cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.

Năm 2019, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động đối ngoại đa phương ở các cấp độ khu vực và toàn cầu. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có nhiều chuyến công tác, tham dự nhiều hội nghị đa phương quan trọng, như Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai, con đường” (tháng 4-2019), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20, Nhật Bản, tháng 6-2019), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) mở rộng (Pháp, tháng 8-2019); Đại hội đồng lần thứ 40 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA, tháng 8-2019), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan (Thái Lan, tháng 11-2019), Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc và Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần thứ nhất (tháng 11-2019)... Các chuyến thăm, tham dự diễn ra rất thành công đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng tiếp tục nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không chỉ tham dự những sự kiện ngoại giao đa phương được tổ chức ở các nước bạn, năm 2019, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Thông qua việc tổ chức thành công sự kiện này, Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và tiếp tục tạo những dấu ấn tốt đẹp với các vị khách quốc tế khi tham gia sự kiện. Không những vậy, Việt Nam cũng chứng minh hoàn toàn có đủ điều kiện và khả năng đáp ứng tốt về mặt an ninh cho các hội nghị quan trọng mang tầm cỡ quốc tế; đồng thời khẳng định, chính sách đổi mới, mở cửa mà Việt Nam tiến hành trong những năm qua là thành công và hiệu quả. Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2-2019). Việt Nam cũng đã đón hơn 570 phái đoàn quốc tế, khoảng 1.700 đại biểu quốc tế đến tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019 (Vesak 2019). Thông qua sự kiện đối ngoại tôn giáo này, Việt Nam đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ: Vesak 2019 là dịp suy ngẫm về chân lý hòa bình, giảm thiểu xung đột, khổ đau của loài người, thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia... Việt Nam luôn sẵn sàng là một thành viên tích cực thúc đẩy những giá trị nhân văn trong giáo lý và đạo đức của Đức Phật được hiện thực hóa, góp phần mang lại sự bình an, hạnh phúc cho nhân loại.

Ngày 7-6-2019, năng lực và uy tín của Việt Nam tiếp tục được củng cố khi một lần nữa Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc tín nhiệm và bầu với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối (192/193) vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ phản ánh sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của một Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp đầy trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh kiểm tra sự sẵn sàng của Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, ngày 25-2-2019.

Lợi ích quốc gia gắn liền với uy tín quốc tế

Tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), Đảng ta tiếp tục xác định chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao đa phương nhằm bảo đảm tốt hơn lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước chính là cơ sở quan trọng để công tác ngoại giao, trong đó có ngoại giao đa phương, đẩy mạnh hoạt động, phát huy vai trò ngày càng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5-11-2016, về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Gần đây nhất, tháng 8-2018, lần đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành một chỉ thị riêng - Chỉ thị số 25/CT-TW, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” - trong đó đề ra những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 10 năm tới triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại đa phương trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị G20 tại Tokyo, Nhật Bản, tháng 7-2019.

Hiện nay, Việt Nam triển khai đối ngoại đa phương với thế và lực ngày càng vững chắc hơn. Chúng ta có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 25 nước, trong đó bao gồm cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... Điều đó thể hiện mối quan hệ ngày càng rộng mở và tin cậy giữa nước ta với các nước bạn bè trên thế giới, đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, thế và lực mới cũng đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, khởi xướng, đưa ra các sáng kiến và cùng tham gia định hình các cơ chế hợp tác mới trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương phù hợp với lợi ích, mối quan tâm chung của các nước.

Hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam những năm tới được dự báo ngày càng sôi động. Trong đó, tiếp tục tham gia xây dựng AC hướng tới Tầm nhìn AC 2025 và hoạt động trong khuôn khổ Liên hợp quốc sẽ là những ưu tiên hàng đầu, là nền tảng của chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam. Năm 2020 - khởi đầu cho chặng đường mới, với vị thế và tầm vóc mới, nhất là việc đồng thời đảm nhận trọng trách kép: Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 - hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đang đứng trước nhiều triển vọng và được kỳ vọng sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác đối ngoại nói chung, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Dũng Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nganh-ngoai-giao-gop-phan-the-hien-tinh-than-ban-linh-viet-nam-185436.html