Ngành Ngân hàng hoàn thành nhiều mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ

    Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, năm 2022 ngành ngân hàng đã thực hiện được nhiều mục tiêu trong điều hành như, hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống được duy trì...

    Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)

    Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)

    Ngày 27/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023.

    Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.

    Phó Thống đốc cho biết, đầu năm nay, NHNN đã đặt ra định hướng tín dụng năm 2022 tăng khoảng 14%. Tính đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Phó Thống đốc chia sẻ, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi kinh tế. Mặt bằng lãi suất đã được ngành ngân hàng duy trì ở mức thấp trong hơn 6 tháng đầu năm.

    Tuy nhiên, nửa cuối của năm, tình hình thế giới đã tác động mạnh tới tỷ giá của Việt Nam, do đó tháng 9, NHNN đã tăng lãi suất điều hành để phù hợp xu hướng chung. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất điều hành của NHNN còn thấp hơn nhiều so với các nước. Lãi suất cho vay bình quân cũng chỉ tăng khoảng 0,8% so với cuối năm 2021, thấp hơn nhiều so với các nước.

    Đến tháng 11, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện hơn, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.

    Theo Phó Thống đốc, quyết định mở room tín dụng thêm 1,5-2% không phải chỉ do các doanh nghiệp cần vốn mà do nhiều vấn đề như tỷ giá, lạm phát ổn định hơn cho phép ngân hàng được nới thêm.

    Về triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), lãnh đạo NHNN cho hay đã “chủ động, tích cực, phối hợp triển khai từ sớm”. Thực tế, chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.

    Bên cạnh điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang tích cực triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Về cơ bản sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống TCTD từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế...

    Trong năm 2023, lãnh đạo NHNN nhận định, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.

    Vì vậy, về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, lãnh đạo NHNN khẳng định tiếp tục tập trung nhiệm vụ kiểm soát lạm phát với mục tiêu khoảng 4,5% và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, NHNN điều hành linh họa, thận trọng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

    Không đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm sau, song lãnh đạo NHNN cam kết ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đầy đủ và kịp thời.

    Đối với lãi suất, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, thậm chí cả lợi nhuận để tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp và người dân.

    Riêng đối với tín dụng cho lĩnh vực rủi ro, ông Tú nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực như bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng, bất động sản có tính chất đầu tư, đầu cơ.

    Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tới đây, ngành ngân hàng sẽ có diễn đàn tín dụng đối với bất động sản để đánh giá rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, của cơ quan quản lý thị trường này, của doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản…

    "Mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định, không để bong bóng, không để đóng băng" - ông Tú nhấn mạnh./.

    Minh Phương

    Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nganh-ngan-hang-hoan-thanh-nhieu-muc-tieu-trong-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-628706.html