Ngành Ngân hàng gồng mình gỡ khó cho... chính mình

Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, các ngân hàng Việt Nam đã tự nguyện giảm hàng loạt phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng do chịu ảnh hưởng nặng nề về hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam lại đang gặp khó khi bị các tổ chức thẻ quốc tế áp các loại phí.

Nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó

Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ 01/4 -31/12/2020 và hoàn phí giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19.

MSB là một trong số ít các ngân hàng đưa mức phí thu khách hàng về bằng 0 đồng

MSB là một trong số ít các ngân hàng đưa mức phí thu khách hàng về bằng 0 đồng

Ngân hàng Nhà nước đã hai lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và đến nay, đã có 100% ngân hàng tham gia thực hiện. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng và miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ.

Ngoài ra, Napas và Vietcombank cũng áp dụng chính sách riêng hỗ trợ miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến cho một số doanh nghiệp giao thông vận tải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó có Công ty Cổ phần hàng không Tre Việt, Công ty Cổ phần hàng không VietJet, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, miễn phí xử lý giao dịch và giảm từ 15% đến hơn 30% phí thanh toán đối với dịch vụ thanh toán trực tuyến và dịch vụ thanh toán trả sau (riêng Công ty Cổ phần hàng không VietJet miễn phí thanh toán và giảm phí xử lý giao dịch đối với dịch vụ trả sau); thời gian áp dụng từ 10/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau hai lần giảm phí, 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí tổ chức tín dụng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ tổ chức tín dụng tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí như: Phí tin nhắn SMS, phí chuyển tiền... có thể được xem là một trong những tác nhân giúp thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Cần sự chia sẻ từ tổ chức quốc tế

Hồi tháng 4/2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản đề nghị hai tổ chức thẻ quốc tế là Visa và Master Card thực hiện miễn, giảm một số loại phí giao dịch thẻ để chia sẻ khó khăn với các ngân hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngay sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn đề nghị, hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đã tiếp xúc, có ý kiến trả lời với Hiệp hội. Qua đó, hai tổ chức thẻ quốc tế đều bày tỏ thiện chí với các đề nghị từ phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hứa xem xét để giải quyết thỏa đáng. Đồng thời, Visa và Mastercard cũng giải thích về chính sách phí toàn cầu của mình.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, qua phản ảnh từ các tổ chức hội viên, được biết các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đang áp dụng cơ chế thu phí khá phức tạp, thu nhiều loại phí đối với giao dịch thẻ và mức thu phí là rất cao so với mặt bằng phí trong nước, nhất là nếu so với mức thu phí chuyển mạch thẻ nội địa.

Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, các ngân hàng Việt Nam đã tự nguyện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng rất lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề về hiệu quả kinh doanh. Giải pháp được Hiệp hội đề nghị là: Visa và Mastercard xem xét giảm chính sách phí đối với thị trường Việt Nam; đồng thời, đơn giản hóa cơ chế thu phí để chia sẻ với khó khăn của hệ thống các ngân hàng Việt Nam.

“Hiện tại, chúng tôi và các tổ chức hội viên cũng đang chờ đợi và tiếp tục yêu cầu có những giải pháp thiết thực từ Visa và Mastercard để chia sẻ với các ngân hàng Việt Nam”, ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và MasterCard miễn, giảm phí là đúng và trúng. Bởi lẽ, ngành Ngân hàng cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, dẫu vậy, toàn ngành vẫn đang quyết liệt thực hiện các giải pháp, trong đó có miễn giảm phí (tin nhắn, chuyển tiền...) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức thẻ Visa và MasterCard cần phải có những chia sẻ khó khăn thông qua miễn, giảm một số loại phí cho các ngân hàng Việt Nam, theo như đề nghị từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

“Khi các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm phí, thì không có lý gì mà Visa và MasterCard không miễn, giảm phí để hỗ trợ các khách hàng tại Việt Nam”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Phương Linh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nganh-ngan-hang-gong-minh-go-kho-cho-chinh-minh-113118.html